Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Trở lại Mường Lò

(Depplus) - Ngỡ ngàng trước những mượt mà óng ả trong nắng trải tới chân núi xa, quả đúng như câu ca “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” nổi tiếng từ lâu. Mường Lò ở Yên Bái là một vùng đất phì nhiêu, trù phú nổi tiếng với gạo trắng, nước trong. Nơi đây còn được cho là mảnh đất quần cư đầu tiên của người Thái, giàu bản sắc, đậm đà phong tục, tập quán.

Quốc lộ 32 uốn lượn giữa miền núi non Tây Bắc “thanh sơn, bích thủy”. Núi cao, vực sâu, bạt ngàn cây rừng, lau lách. Đỉnh dẫy núi xa đổ xuống những dòng thác mây như từ trên trời đổ xuống mỗi khi vào đông khiến ta tưởng như thấy thác núi Lư trong thơ Lý Bạch đời Đường “Thác bay thẳng xuống ba nghìn thước/Tưởng dải Ngân hà tuột khỏi mây…”.

Rồi như một phép màu, con đường quốc lộ bỗng lọt vào một cánh đồng bằng phẳng biêng biếc sóng lúa Mường Lò. Ngỡ ngàng trước những mượt mà óng ả trong nắng trải tới chân núi xa, quả đúng như câu ca “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” nổi tiếng từ lâu.

Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai ở miền núi phía Bắc, chỉ sau Mường Thanh – Điện Biên (còn hai cánh đồng nhỏ hơn là Mường Than – Than Uyên và Mường Tấc – Phù Yên).

Người Thái đen đã định cư lâu đời ở nơi đây. Theo câu truyện sử thi của người Thái kể rằng: Hai anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần tìm nơi lập nghiệp. Tạo Xuông đã dừng chân dựng bản làng ở Mường Lò, xây dựng nên vùng đất tổ tiên của người Thái Đen ở khắp vùng Tây Bắc vì thấy ở đây đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào.

Câu tục ngữ: “Thái theo nước, Xá theo lửa” nói về tập quán canh tác của người Thái trồng lúa nước, người Xá (Khơ Mú) đốt nương làm rẫy. Còn ông Tạo Ngần lên Mường Then (Mường Thanh ngày nay) xây dựng bản làng người Thái Trắng cũng trồng lúa nước là chủ yếu. Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò đã thành danh từ lâu. Hương thơm của hạt gạo nơi này đã bay xa, vượt núi non đến nhiều nơi được nhiều người biết đến.

Xuôi theo quốc lộ 32 với những miên man suy nghĩ về Mường Lò, Yên Bái. Để rồi ngỡ ngàng khi chứng kiến vẻ đẹp của những cánh đồng lúa chín vàng, thoai thoải bậc thang tiến về phía núi. Con suối Nậm Thia vắt ngang qua thung lũng như vẽ một nét lụa mềm uốn lượn giữa sóng lúa vàng. Tôi giật mình trước vẻ đẹp Mường Lò với một bóng người con gái Thái gánh lúa trên vai đang rẽ ngang con suối để rồi sẽ chẳng bao giờ lòng có thể quên.

“Ngày xưa, nơi ấy có một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết. Cô gái đẹp như trăng rằm, mái tóc đen dài mềm mại. Mỗi khi nàng ngồi bên khung cửi, chim muông, hoa lá như múa vờn trong mỗi đường thêu. Chàng trai khỏe mạnh, giỏi làm nương, săn bắt thú. Mỗi khi tiếng khèn của chàng cất lên, chim rừng ngừng tiếng hót hồi hộp lắng nghe. Nhưng tên chúa đất quyết bắt cô gái về làm người hầu. Hai người rủ nhau chạy lên núi cao để bảo vệ tình yêu đôi lứa. Tên chúa đất cho người đuổi theo. Chàng trai và cô gái kiệt sức gục xuống trên đỉnh núi. Cô gái không cầm lòng được, chỉ biết khóc than cho mối tình tuyệt vọng.

Nước mắt của cô chảy mãi hóa thành dòng suối Nậm Thia, mái tóc dài thơm hóa thành làn rêu xanh mướt như vẫy gọi. Chàng trai đau đớn nhảy xuống dòng suối, thân thể chàng vừa chạm mặt nước bỗng vỡ tan, hóa thành muôn tảng đá cho làn rêu quấn quýt bám quanh”. Tôi đã bao lần được nhâm nhi chén rượu thơm cất từ những hạt gạo Mường Lò, thấm đẫm huyền thoại kia với món rêu đá thơm, cay, dịu mát, vậy mà xuân này sao nhớ lạ lùng. Những sóng vàng ngày xuân của con suối Thia ấy như muôn bàn tay vẫy gọi. Tôi lại đến với Mường Lò…!

Theo Depplus.vn
Du lịch, GO!

Tắm 'suối say' ở Mường Lò

Hua Mạ, động treo lưng chừng núi

Động Hua Mạ (Đầu Ngựa) hay còn gọi là Động Treo, động Lèo Pèn nằm cách hồ trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể khoảng 10km về phía Nam. Sở dĩ, Hua Mạ được gọi là Động Treo bởi hang động này nằm ở lưng chừng núi, có độ cao so với mặt nước biển là 350m, chiều dài hơn 700m, sâu dưới 60m.

Muốn lên động, du khách phải leo chừng 300m theo các bậc cầu thang trên sườn núi dốc thoai thoải. Cửa động Hua Mạ nhìn ra một vùng nước non xanh biếc của hồ và rừng Ba Bể cùng với con sông Lèng êm ái chảy qua. Cửa động Hua Mạ nhìn ra một vùng nước non xanh biếc của hồ và rừng Ba Bể cùng với con sông Lèng êm ái chảy qua. Không chỉ là nơi sơn thủy hữu tình, động Hua Mạ còn nổi tiếng với những huyền sử kỳ bí. Để vào được động phải qua một cửa nhỏ rộng 3m, cao 5m, nhưng chỉ cần đi qua cửa vài chục bước chân, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước không gian động được mở rộng.

Trong động, không gian thoáng đãng do lòng hang rộng và thông nhau tạo cho du khách cảm giác mát mẻ, dễ chịu. Bước xuống bậc thang đá, lòng hang còn lưu giữ nhiều tầng lớp của đá vôi hóa thạch màu trắng, thuộc loại đá hoa cương Ba Bể.

Dưới đáy động là một bãi đá đổ khổng lồ dài khoảng 150m. Ở đây có dấu vết của thác nước. Trần động có chỗ rộng và cao tới 40 - 50 m. Bên trong có nhiều nhũ đá muôn hình vạn trạng, đầy kỳ bí, lung linh, huyền ảo.

Nhũ đá từ phía trên hang rủ xuống, từ mặt đất nhô lên, thấp - cao, dài - ngắn, ngang - dọc đủ cả, tạo cảm giác rất thú vị. Mỗi nhũ đá hiện ra với dáng vẻ khác nhau, vô cùng sinh động: Chỗ thì giống thủy cung, nơi lại như hoàng cung trong một buổi thiết triều; chỗ lại giống cảnh thầy trò Đường Tăng trên đường sang Tây Trúc, chỗ thì hình tháp bút, nơi lại giống đóa sen…

Cách cửa hang khoảng 15m, trong đống đá đổ lẫn đất sét màu xám đỏ và tro, các nhà khảo cổ học đã từng phát hiện các công cụ bằng sành có hoa văn từ thời Lê, nay đã được quy tập về các bảo tàng. Trong lòng hang động, hàng vạn nhũ đá, rèm đá, cột đá, phiến đá với đủ các kiểu dáng kỳ dị được hình thành ngay từ cửa hang cho đến cuối hang. Điều đặc biệt, chúng như được bài trí, sắp xếp một cách tự nhiên nhưng vô cùng hợp lý.

Những nhũ đá, cột đá tạo thành hình những bức tượng thiên nhiên như tượng người ngồi câu cá hay có những đoạn các nhũ đá xếp ngay ngắn giống như một buổi thiết triều với đầy đủ văn võ bá quan...

Những hốc hang nhỏ bên trong cũng có những dáng hình kỳ lạ, làm tăng thêm phần huyền bí cho hang động tuyệt đẹp này. Lòng hang được chia làm nhiều phòng bởi các rèm đá, nhũ đá ngăn cách tự nhiên thông với nhau qua một hành lang quanh co, lúc ẩn lúc hiện trong ánh sáng mờ mờ hư ảo khiến cho du khách có cảm giác như đang lạc bước vào cõi thiên thai.

Động Hua Mạ có nhiều huyền thoại ly kỳ. Truyện kể rằng ở khu vực rừng “Lèo Pèn” tiếng Tày có nghĩa là Rừng Ma, nơi ma quỷ ngự trị có một sơn động lạ trên lưng núi. Ngày ngày, cứ chiều tà, tiếng kêu hú từ phía động vọng ra khiến dân chúng trong vùng không ai dám đến gần.

Một ngày cuối năm, có một vị tướng đi tuần qua, khi đến bờ sông Lèng, trời đã gần tối. Đoàn người ngựa định sang bản bên để nghỉ lại, nhưng lạ thay khi qua sông, cứ xuống đến mép nước ngựa lại quay đầu trở lại, hí vang như báo hiệu một điều gì đó. Cùng lúc đó từ phía động Lèo Pèn có tiếng hú vọng ra. Thấy sự việc lạ, vị tướng cho gọi dân làng đến hỏi thì được biết tiếng kêu đó là những oan hồn của dân binh đã cùng triều đình chống giặc, thế giặc mạnh nên họ đã cố thủ trong hang. Bọn giặc không làm gì được đã phá sập cửa hang, do đó những oan hồn không được siêu thoát cứ lởn vởn trong hang hú hét.

Hiểu rõ sự tình, quan quân liền hạ trại ngay cạnh bờ sông Lèng và mổ ngựa, lấy đầu ngựa làm lễ tế trời đất. Lạ thay, khi lễ tế vừa xong thì tiếng oan hồn trong động cũng im dần rồi mất hẳn. Từ đó, động Lèo Pèn có tên gọi là động Hua Mạ (theo tiếng Tày có nghĩa là động Đầu Ngựa). Cũng từ đó, trong động không còn những âm thanh kỳ lạ và huyền bí.

Động Hua Mạ đã được tỉnh Bắc Kạn đưa vào khai thác từ năm 2004, thuộc quần thể danh thắng hồ Ba Bể trong Vườn Quốc gia Ba Bể. Tuy nhiên, động Hua Mạ đến nay vẫn chưa thu hút được nhiều khách du lịch, một phần là do hạ tầng giao thông tuy đã được nâng cấp nhưng vẫn còn rất kém. Từ hồ Ba Bể vào, đoạn đường chỉ gần 6 km, nhưng xe ô tô 4 chỗ phải đi mất khoảng 20 đến 25 phút.

Tổng hợp từ ANTG và nhiều nguồn khác
Du lịch, GO!

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More