Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Nem chua Thanh Hóa

(ĐĐK) - Thỉnh thoảng tôi lại nhận được quà là vài trăm chiếc nem chua từ Thanh Hóa gửi ra. Đây là món khoái khẩu của nhóm bạn chúng tôi, mặc dù có nhiều nơi làm nem chua nhưng quả thật không đâu làm ngon bằng Thanh Hóa.

Với nhiều bí quyết gia truyền cùng với sự tìm tòi, sáng tạo nhiều nghệ nhân đã tạo ra những chiếc nem nhỏ nhắn, xinh xắn gói trong mình hương vị rất riêng của xứ Thanh. Tạo nên sức hấp dẫn đến kỳ lạ thỏa mãn được khẩu vị của nhiều người. Để rồi khi đặt chân lên mảnh đất xứ Thanh du khách không quên dừng chân bên đường mua vài bịch nem chua làm quà cho bạn bè cùng người thân.

Làm nem chua đã trở thành nghề truyền thống và là niềm tự hào của người dân xứ Thanh. Xuất hiện từ những thập niên 70 của thế kỷ trước, trải qua mấy chục năm, nghề làm nem càng ngày càng phát triển với nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh và số lượng nem cung cấp cho nhu cầu thị trường ngày càng lớn. Riêng với người dân xứ Thanh thì nem chua là món ăn không thể thiếu trong các ngày lễ tết và cũng là món quà kết tình thâm giao với mọi người.

Nem ngon là phải có độ lên men vừa đủ tạo độ chua rôm rốp, nem phải chắc, khi ăn có độ giòn, màu sắc phải tươi… Để làm ra được những chiếc nem tuyệt ngon ấy, người nghệ nhân phải có thâm niên trong nghề, quan trọng nhất là việc chế biến, nêm gia vị và có bí quyết riêng.

Nem được làm bằng thịt lợn nạc được lọc kỹ để bỏ gân, đem thái thật mỏng cho vào cối giã nhỏ mịn. Giã thịt là khâu đòi hỏi kỹ thuật công phu và sức khỏe, phải giã thật nhanh, thật đều. Thành phần chủ đạo thứ hai là bì lợn được cạo thật sạch, luộc chín thái chỉ nhỏ như miến sợi. Bì lợn đã thái nhỏ đem trộn với thịt nạc xay, nêm muối tinh rang khô, nước mắm ngon, mì chính hạt tiêu và thính.

Thính là thành phần quan trọng làm nên hương vị riêng của từng loại nem. Cách tra thính nhiều hay ít, sớm hay muộn cũng là bí quyết riêng của từng nhà nem. Tất cả được ủ một thời gian để lên men. Sau đó thịt được vê tròn thành từng viên hình trụ hoặc tròn. Người làm nem khéo léo lót một nhánh lá đinh lăng bánh tẻ nhỏ rồi dùng lá chuối gói lại sao cho chặt và kín. Đáp ứng khẩu vị của thực khách đặt hàng, nem chua còn được lót đôi ba lát tỏi và ớt thái mỏng.

Nem chua xứ Thanh thường được chấm với tương ớt, các vị ngọt - chua – cay và mùi lá đinh lăng hoà quyện vào nhau đã tạo ra một món ăn chẳng dễ gì mà quên được.

Theo Trang Huyền (Báo Đại Đoàn Kết)
Du lịch, GO!

40 năm Hoàng Sa...

Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) là một nhóm rất nhiều đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở Biển Đông. Hoàng Sa cũng có nghĩa là 'cát vàng', tên Người Việt đặt cho quần đảo này.

< Bãi biển Bạch Quy đẹp như thiên đường.

Hoàng Sa được chia làm hai nhóm đảo là nhóm đảo An Vĩnh và nhóm đảo Lưỡi Liềm. Có tài liệu chia quần đảo làm ba phần, trong đó ngoài hai nhóm trên thì còn có một nhóm nữa gọi là nhóm Linh Côn.
Hoàng Sa được ví như những như dải cát vàng trải dài, nước quanh đảo lúc thì xanh như mạ non, lúc lại ửng màu thanh thiên trong vắt. Từng đợt sóng lăn tăn đuổi nhau vào bờ, tạo nên một không gian thanh bình, yên ả đẹp như cõi mộng giữa biển khơi.

Hầu hết những người đã đặt chân đến Hoàng Sa đều có chung cảm nhận, Hoàng Sa giống như thiên đường chốn trần gian.

< Ông Phạm Thoại Tuyền (sống tại Lý Sơn) đang thắp hương trên ngôi mộ gió của ông tổ mình là chánh đội thủy binh…

Đôi nét về Hoàng Sa.

Mùa xuân năm Bính Thân 1836, vâng mệnh vua Minh Mạng, Phạm Hữu Nhật - Chánh đội trưởng thủy quân suất đội của triều đình nhà Nguyễn đã đem binh thuyền đi đo đạc, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền lãnh thổ trên quần đảo Hoàng Sa.

Gia phả của họ Phạm ở Lý Sơn ghi rằng 200 năm trước, cai đội Phạm Quang Ảnh cùng 70 suất lính với năm chiến thuyền làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển và đo đạc thủy trình, tìm kiếm, khai thác những sản vật quý cung tiến triều đình. Rồi một lần, cai đội Phạm Quang Ảnh cùng hải đội của ông gặp bão biển và không trở về. Vua Gia Long đã thân chinh ra tận Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ.

< Hải đăng Việt Nam trên đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc.

Từ khi triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Giáp Thân (1884) với Chính phủ Pháp, nước ta bước vào thời kỳ Pháp thuộc. Trong khuôn khổ của những cam kết chung, Pháp tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế, chính quyền thuộc địa Pháp đã có nhiều hành động cụ thể liên tục củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.

Ngày 15-6-1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévie ký Nghị định thành lập một đơn vị hành chánh tại quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Cũng trong năm 1938, một bia chủ quyền được chính quyền Pháp dựng lên, một hải đăng, một trạm khí tượng ở đảo Hoàng Sa (Pattle), một trạm khí tượng khác ở đảo Phú Lâm (lle Boisée), một trạm radio TSF trên đảo Hoàng Sa (Pattle); cùng một bia chủ quyền, một hải đăng, một trạm khí tượng và một trạm radio TSF tương tự trên đảo Ba Bình (ltu Aba). Tháng 6-1938, một đơn vị lính bảo an Việt Nam tới đồn trú ở Hoàng Sa.

< Đào giếng tại Hoàng Sa năm 1938 trong thời gian chính quyền bảo hộ Pháp tại Đông Dương thực thi chủ quyền trên quần đảo này.

Ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, bắt lính Pháp đồn trú ở quần đảo Hoàng Sa làm tù binh. Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, Nhật rút khỏi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và một phân đội lính Pháp đã đổ bộ từ tàu Savorgnan de Brazza lên thay thế quân Nhật từ tháng 5-1945, nhưng đơn vị này chỉ ở đây vài tháng. Trong thời gian từ 20 đến 27-5-1945, Đô đốc D'Argenlieu, Cao ủy Đông Dương cũng đã phái tốc hạm L'Escamouche ra nắm tình hình đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đến khi thua trận rút khỏi Đông Dương, chính phủ Pháp cũng đã bàn giao quyền quản lý vùng biển này lại cho chính phủ Miền Nam do Pháp dựng lên nhưng cũng thuộc Việt Nam.

Nhớ Hoàng Sa ngày ấy

Tháng 2-1958, ông Ngô Tấn Phát nhận nhiệm vụ đi công tác tại Hoàng Sa theo nhiệm kỳ ba tháng. Các đồng nghiệp của ông trong Nha Khí tượng Sài Gòn lúc đó cũng đã từng mỗi người ra đảo vài lần, cứ đến lượt là đi. Mới ngoài đôi mươi, vừa được nhận vào làm quan trắc viên, lại chưa biết gì về đảo Hoàng Sa nên ông Phát hăng hái đi ngay. Không ngờ chuyến đi đó đã gắn bó với ký ức của ông suốt phần đời còn lại. Ông yêu công việc này, yêu quần đảo mà ông mới sống cùng nó ba tháng, cho nên khi hết nhiệm kỳ ông đăng ký ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa.

“18 lần ra làm việc tại Hoàng Sa là quãng đời đẹp nhất của tôi”, ông Võ Như Dân nói như vậy. Kỷ vật quí giá trong những ngày sống ở Hoàng Sa từ những  năm 1960 mà ông còn gìn giữ đến bây giờ là cái vỏ ốc tai tượng to bằng quả bóng, ông mang từ Hoàng Sa về phơi khô, đẽo và vẽ thêm vài chi tiết, nối dây điện vào làm thành chiếc đèn trang trí độc đáo. Bao nhiêu năm qua ông đặt chiếc đèn vỏ ốc ấy trang trọng trong tủ kính ở phòng khách để hằng ngày nhớ về những ngày ở đảo.

< Ảnh quần đảo Hoàng Sa với những cơ sở quân sự, khí tượng của Việt Nam năm 1968.

Ông Năm Miễn (Phạm Văn Miễn) dù đã 82 tuổi cũng mong mỏi có dịp trở lại Hoàng Sa một chuyến để ông trở lại với những năm tháng làm việc ở đó. Bởi ông Miễn là người ra làm việc lâu nhất ở Hoàng Sa: 18 năm! Trong 18 năm (1956-1974) làm việc ở Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng, năm nào ông Miễn cũng có mặt ở Hoàng Sa, có năm ra đôi ba đợt. Hoàng Sa nằm trên vùng biển rộng 15km², gồm 40 đảo đá, cồn san hô và bãi đá ngầm, đảo lớn nhất dài 900m, rộng 700m, song với ông Miễn thì hầu như thuộc lòng quần đảo ấy.

Ông Trần Hòa (58 tuổi, trú thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) thuộc lứa những người ra đảo những lần cuối cùng kể lại, tháng 10/1973, khi ông chưa đầy 20 tuổi đã được Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam trao Sự vụ lệnh ra đảo Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh cho sĩ quan, binh lính thuộc trung đội Hoàng Sa và các nhân viên khí tượng.

Lần đầu ra đảo cái cảm giác háo hức dần dần bị xâm lấn bởi sự lo lắng. Nhưng rồi, vừa nhìn thấy bóng dáng đảo sau ánh bình minh, ai cũng ôm nhau cười mãn nguyện. Tôi thật sự choáng ngợp và reo lên ôi quê hương ta đẹp biết bao. Toàn cảnh Hoàng Sa như một dải cát vàng lộ thiên giữa biển nước” – ông Hòa nhớ lại.

Ấn tượng đầu tiên về Hoàng Sa của nhân chứng Nguyễn Văn Dữ (59 tuổi, trú phường Thọ Quang, Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) là quần đảo có một bãi cát trải dài như chiếc thảm khổng lồ và sạch đến vô cùng. Từ Hoàng Sa hướng mắt ra bốn phía ngoài thấy một vùng biển xanh mênh mông như ngọc. “Hoàng Sa trong tôi những buổi sáng mai hay sau những chiều nhạt nắng, tôi nghe những con sóng thì thầm cùng những làn gió từ biển thổi đến man mát như tiếng của người yêu, em đợi anh về” – ông Dữ thổn thức.

Với ông Nguyễn Tấn Phát, nhân viên quan trắc Đài khí tượng Sài Gòn, bình minh trên quần đảo Hoàng Sa là thời khắc huy hoàng nhất trong ngày. “Chúng tôi thấy mặt trời đỏ rực, to và rất gần. Nắng lên một chút, nước biển ven bờ xanh một màu ngọc bích đẹp lạ lùng, xa xa hơn một chút nữa màu xanh dương rồi tới xanh lục. Chiều chiều rảnh rỗi chúng tôi bơi ra xa lặn xuống xem những rạn san hô với cá đủ màu sắc...” – ông Phát nói.

< Sói biển Mai Phụng Lưu ở ngư trường Hoàng Sa.

Đặc biệt nhất tại Hoàng Sa là cá. Cá nhiều vô kể, nhất là cá mú. Lính đảo cùng các nhân viên khí tượng sống nhờ nguồn thực phẩm khá dồi dào tại Hoàng Sa. Cá, ốc, mực, bạch tuộc, chim... Những người đã sống và làm việc tại Hoàng Sa kể lại, chỉ cần quăng câu chừng vài phút là được gần cả chục con cá mú, cá khế, cá xanh xương... mà con nào con đó nặng trên 5 – 7 kg.

Ông Nguyễn Văn Đức (trú quận 5, TP. HCM), ra nhận nhiệm vụ đo đạc khí tượng thủy văn ngoài Đảo tháng 10/1969 kể lại:"Vui nhất phải kể đến những lần câu cá và đánh bắt giờ rảnh rỗi. Vì là đảo san hô nên nguồn hải sản tại nơi đây rất phong phú. Những đoàn cá vào đây để ăn sinh vật nhỏ tại san hô. Trên đảo mỗi dọc san hô cá mú biển sống rất nhiều. Mỗi ngày một người câu được ít nhất 50 con cá mú biển. Chúng tôi thường ăn không hết, nên phơi khô để làm quà mang vào đất liền…".

Ông Lê Lan (60 tuổi, phường Sơn Phong, TP. Hội An, Quảng Nam) lần ra công tác Hoàng Sa năm 1971 từng câu được con cá khế nặng 15 kg. Ở Hoàng Sa, còn có những con rùa to 2 người đứng trên lưng rùa vẫn bò đi được.

'Sói biển' Mai Phụng Lưu

Kề cận gần đây nhất, kà những chuyến cập đảo của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu - người bốn lần bị Trung Quốc bắt, hai lần bị tịch thu tàu, một lần bị giam cầm tra tấn dã man ở đảo Phú Lâm... Vậy nhưng người ngư phủ đảo Lý Sơn được đồng nghiệp phong tặng danh hiệu "sói biển" vẫn không nhụt chí. Mặc dù từ năm 1974, quần đảo Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) bị phía Trung Quốc chiếm đóng trái phép nhưng với người gần 30 năm lăn lộn ở ngư trường này như Mai Phụng Lưu, ông vẫn thường xuyên ghé lên đảo và thuộc từng vụng biển, từng bãi cát, từng hòn đảo như chính nhà mình.

< Hai cha con thành kính thắp nén hương trước khi xin phép thần linh xúc cát đảo Bạch Quy đem về cho bà con.

Đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa sau khi quần đảo bị TQ chiếm đóng trái phép, nhiều đảo đã từng in bước chân sói biển như cù lao Ông Già, đảo Cồn Đá Lồi, đảo Bạch Quy... Chỉ riêng trên cù lao Ông Già, ngư dân Mai Phụng Lưu có bốn lần ăn tết trên đảo này - nơi mà suốt bao năm gắn bó trên biển đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên.

Nói đơn giản, ngư dân Lý Sơn đặt tên cho một hòn đảo nhỏ bằng đảo Bé ở Hoàng Sa là 'lao Ông Già' vì trước kia trên đảo có một ông già Trung Quốc sống một mình bí ẩn.
Mai Phụng Lưu kể: “Ông già rất hiền. Những lúc không có lính Trung Quốc đi tuần, tàu cá ngư dân Lý Sơn ghé đảo được ông chỉ dẫn những ngôi mộ người Việt để thắp hương, được ông dẫn đi xem những tấm bia cổ của người Việt và chỉ cách lượm trứng chim ngon trên cỏ để ăn”. Cách đây hơn 10 năm, ông già hình như đã mất. Rồi hai cặp vợ chồng Trung Quốc khác ra đảo sinh sống, ngư dân Lý Sơn thỉnh thoảng vẫn ghé vào nhưng bị theo dõi nghiêm ngặt lắm.

< Sói biển Mai Phụng Lưu đang nhặt trứng rùa biển trên Cù lao Ông Già.

Riêng Cồn Đá Lồi, ngư dân còn gọi là đảo Phạm Quang Ảnh vì đây là tên một cai đội xuất chúng trong Đội Hoàng Sa Bắc Hải dưới triều Nguyễn. Đây cũng là hòn đảo mà ông cho rằng sẽ luôn day dứt nếu không đến thăm. Là đảo nửa nổi, nửa chìm, khi nước thủy triều rút cạn thì đảo hiện ra như tấm thảm cát khổng lồ, ven đảo này có vô số loài hải sản quý sinh sống.

Hoàng Sa trong 30 năm bám biển của sói biển Mai Phụng Lưu là những hòn đảo nhỏ trắng xóa trứng chim biển, những rạn san hô đầy hải sâm, những ngôi mộ của người Việt trên Lao Ông Già, những tấm bia chủ quyền phai mờ sương gió… Nỗi nhớ đau đáu của các ngư phủ, của người dân Việt về một quần đảo đã được cha ông khám phá và gìn giữ từ ngàn xưa vẫn thôi thúc trong lòng. Ai chưa hề đặt chân đến chỉ có thể dõi theo qua những tấm ảnh đen trắng hiếm hoi từ thời Pháp, thời VNCH để đỡ nhớ!

Một cách khác nữa là mở bản đồ vệ tinh như Googlemap, Wikimapia rồi phóng lớn, săm soi để căm giận kẻ xâm chiếm trái phép và bành trướng các công trình quy mô... Còn chuyện nhìn tận mắt, day tận tay thì không thể trong thời điểm hiện nay.

Vậy nên trong bữa rượu chia tay lúc khuya ở nhà thông gia ngư dân Mai Phụng Lưu, anh Tâm Chánh đã tặng cho con trai Mai Phụng Lưu chiếc máy ảnh Panasonic Lumix DMC LX2 của anh. Và dịp này, người tặng cũng huấn luyện cấp tốc cách sử dụng máy ảnh ngay trong bữa rượu.

Rồi trong chuyến ra khơi tháng 8.2011, cha con 'sói biển' đã ghé lên đảo Bạch Quy, đảo Ông Già để xúc nắm cát trắng thiêng liêng đem về chia cho bà con trên huyện đảo Lý Sơn – quê hương Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa – cùng thờ phụng, tưởng nhớ tới cha ông đã nằm lại biển khơi, từ đó khắc cốt ghi tâm rằng đó là mạch đất máu thịt của Tổ quốc. Cũng chính nhờ chiếc máy ảnh này nên cha con ông đã lần lượt ghi lại những khoảnh khắc lưu lại trên đảo Bạch Quy và Cù lao Ông Già thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Vậy là hình cận cảnh của 2 đảo trong quần đảo Hoàng Sa không còn chỉ được thể hiện qua những ảnh xưa, qua những lời kể mà nó rõ mồn một qua những tấm ảnh màu... trên những hòn đảo mà ngày xưa nằm trong vòng quản lý của ta.

Sau đó, nhiều nhà báo đã đến xin và đăng những tấm ảnh này. Đó là những tấm hình duy nhất mà mọi người được nhìn thấy được Hoàng Sa qua ảnh chụp sau năm 1974. Một tháng sau, chúng tôi nhận được điện thoại của Phạm Anh báo rằng 'anh Lưu gửi tặng mấy anh một bao cát Hoàng Sa' anh Lưu lấy trong chuyến đi biển tiếp theo. Đó là cát mà ngư dân ở Lý Sơn vẫn lấy về để trong nồi hương thờ ông bà và những binh phu Hoàng Sa ngày Tết.

Hoàng Sa trong 30 năm bám biển của sói biển Mai Phụng Lưu là những hòn đảo nhỏ trắng xóa trứng chim biển, những rạn san hô đầy hải sâm, những ngôi mộ của người Việt trên Lao Ông Già, những tấm bia chủ quyền phai mờ sương gió. Hoàng Sa, nơi bao nhiêu năm lặn lội trên biển đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên.

Nuôi chí giành lại Hoàng Sa (báo Thanh Niên):

Lịch sử Việt Nam cho thấy dù có 1.000 năm Bắc thuộc, đến cuối cùng ông cha ta cũng khôi phục lại được nền độc lập cho Việt Nam. Những điều đó thành hiện thực là do nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi, ngọn lửa ý chí được nuôi dưỡng và được truyền qua các thế hệ.

Mất đi Hoàng Sa vào năm 1974 (cũng như mất Gạc Ma vào năm 1988) cũng là lúc chúng ta đã mất đi vị trí chiến lược bảo vệ đất nước từ biển, mất đi những người con của dân tộc đã hy sinh trong những trận hải chiến ngày ấy và là nỗi đau lớn cho Việt Nam. Đó là bài học về một phần cái giá phải trả khi Việt Nam bị chia cắt ở trong thế yếu; lại bị các cường quốc lớn chi phối, kinh tế còn yếu kém, không có sự quan tâm và chuẩn bị đúng mức để bảo vệ được đảo.

Thực tế cho thấy, khi quần đảo đã bị Trung Quốc chiếm đóng, việc đòi lại Hoàng Sa đúng là một sự nghiệp lâu dài và khó khăn đòi hỏi người Việt phải giữ vững được ý chí và chuẩn bị chu đáo. Người Do Thái sau 2.000 năm mất nước đã trở lại được mảnh đất quê hương mình. Làm được điều đó, trước tiên là vì họ không để ý chí mai một. Câu nói "Sang năm về Jerusalem" đã trở thành lời cầu nguyện trước mỗi bữa ăn, lời chào từ biệt giữa những người Do Thái mất nước từ đời này sang đời khác.

Argentina chưa từng từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Falkland dù gần 200 năm đã trôi qua và hiện quần đảo đang nằm trong tay người Anh. Lịch sử Việt Nam cũng cho thấy dù có 1.000 năm Bắc thuộc hay 100 năm Pháp thuộc... đến cuối cùng ông cha ta cũng khôi phục lại được độc lập cho Việt Nam. Nhưng những điều đó thành hiện thực là do những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi được nung nấu qua nhiều thế hệ.

Bởi vậy cho dù đó là công cuộc lâu dài, chúng ta không giây phút nào được trễ nải hay có suy nghĩ rằng hãy gác lại để thế hệ sau làm tiếp. Luật quốc tế hiện đại đòi hỏi danh nghĩa chủ quyền cần phải được duy trì liên tục. Chỉ cần có những hành động hay tuyên bố biểu lộ sự thiếu quan tâm đối với chủ quyền Hoàng Sa (và Trường Sa), Việt Nam sẽ bị mất đảo vĩnh viễn một cách hợp pháp. Trách nhiệm của mỗi thế hệ là bảo vệ toàn vẹn và làm mạnh hơn lập luận pháp lý của Việt Nam, giảm nhẹ gánh nặng cho con cháu của mình. Và danh dự của tổ quốc, trách nhiệm với tiền nhân và hậu thế không cho phép chúng ta tiếp tục để mất hẳn Hoàng Sa (TNO).

"Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Ngày nay, cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta để đòi lại Hoàng Sa chính là cuộc chiến về ý chí và trí tuệ. Mỗi người Việt Nam sẽ không bao giờ đầu hàng và không bao giờ chấp nhận từ bỏ Hoàng Sa vào tay ngoại bang.

Nói về huyện đảo Hoàng Sa

Huyện đảo Hoàng Sa được thành lập từ tháng 01/1997, là một quần đảo san hô nằm cách thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315 km).

Huyện bao gồm các đảo: đảo Hoàng Sa, đảo Đá Bắc, đảo Hữu Nhật, đảo Đá Lồi, đảo Bạch Quy, đảo Tri Tôn, Đảo Cây, đảo Bắc, đảo Giữa, đảo Nam, đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn, đảo Quang Hòa, Cồn Bông Bay, Cồn Quan Sát, Cồn Cát Tây, Đá Chim Yến, Đá Tháp...

Sẽ kỷ niệm sự kiện 40 năm Hoàng Sa và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện Bộ Ngoại giao đang lên kế hoạch kỷ niệm 40 năm sự kiện (1974) Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979 – chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Tại cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Hội Khoa học Lịch sử chiều 30.12, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử đã nêu băn khoăn của mình về chuỗi các sự kiện lịch sử chẵn năm trong năm 2014. Trong đó, có các sự kiện được ông cho là “tế nhị”, như: 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979 – chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, 40 năm sự kiện (1974) Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

“Nhiều cơ quan đặt rất nhiều câu hỏi với Hội Khoa học Lịch sử chúng tôi, năm nay sẽ kỷ niệm ra sao… Đề nghị Thủ tướng cho ý kiến để chúng tôi có thể điều hòa được tác động xã hội”, ông Dương Trung Quốc nói.
Về điều này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, ông cũng đã nhận được câu hỏi chất vấn của ông Quốc.

Trả lời trực tiếp tại Hội Khoa học Lịch sử, Thủ tướng cho biết: “Phải kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm thế nào để ổn định. Rồi còn biên giới Tây Nam thế nào. Chứ không phải Bộ Chính trị không quan tâm”.
Thủ tướng cũng cho biết hiện Bộ Ngoại giao đang soạn thảo đề án kỷ niệm sự kiện: biên giới phía Bắc, Hoàng Sa. “Kỷ niệm thế nào cho vừa đạt yêu cầu đối nội, vừa đạt yêu cầu đối ngoại. Đó cũng là lợi ích của nhân dân. Bộ Chính trị rất quan tâm đến việc kỷ niệm này” (Nguyentandung.org).

Ghé lại vài đảo tại Hoàng Sa
Cùng ngư dân cưỡi sóng Hoàng Sa
Thăm người lưu giữ ký ức Hoàng Sa...
Mãi mãi Hoàng Sa
Đất trời Hoàng Sa
Hoàng Sa, ngày ấy không quên...
Hoàng Sa từng được khảo sát du lịch từ năm 1925
....

Du lịch, GO!

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Những hàng quán 'thâm niên' ở Sài Gòn

(ĐVO) - Tinh hoa ẩm thực Sài Gòn thường nằm trong những quán vốn đã có từ lâu đời. Không chỉ là quán lớn, đôi khi chỉ là quán vỉa hè, quán cóc nhưng sự tồn tại đã qua nhiều chục năm đến mức ghi dấu ấn khó quên trong lòng thực khách.
Ta có thể điểm qua những quán như:

Bánh đúc vỉa hè hơn 40 năm tuổi

Nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Đăng Lưu, đoạn gần ngã tư với đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận). Quán bắt đầu bán từ những năm 70 của thế kỷ trước, được rất nhiều người biết đến bởi loại bánh đúc ngon, giá cả bình dân. Người ăn có thể thưởng thức tại quán hoặc mua hộp mang về.

< Món bánh đúc dân dã này được chan nước mắm ngọt, nhiều hành phi cùng hỗn hợp thịt bằm. 16k/phần tại chỗ, 17k/phần mang về - Mở cửa: 2pm – 5:30pm (nghỉ bán vào ngày mùng 1 và 15 hàng tháng).

Quán bình dân nhưng chất lượng món ăn ngon. Bánh đúc ở đây hấp dẫn bởi màu bánh vàng mơ, đúc nóng được múc vào chén, cho vào một ít nhân thịt băm xào với mộc nhĩ, hành tây và hành phi. Một chén bánh đúc nóng, thêm vào nước mắm và ớt xay nữa, vậy là đã đủ đánh thức bao tử của bạn.
Bánh mềm, nhân thơm và nước mắm ngon, tất cả hòa quyện thật nhuần nhuyễn mang lại vị ngon khó tả và không cảm thấy ngán.

Bánh mì Hòa Mã, ký ức bánh mì Sài Gòn

Trong suy nghĩ của nhiều người, bánh mì là thức ăn nhanh, phù hợp với cuộc sống vội vã. Nhưng trong một con hẻm nhỏ ngay giữa trung tâm Sài Gòn (Quận 3), vào mỗi buổi sáng, rất nhiều người tìm đến đây, ngồi trên những chiếc ghế cũ kỹ, chậm rãi thưởng thức một phần bánh mì thập cẩm trước khi bắt đầu cho một ngày mới.

Tiệm nhỏ xíu, xập xệ, bảng hiệu cũ kỹ đã nhuốm màu thời gian nhưng chất lượng bánh mì thì vẫn nguyên hương vị như những ngày đầu. Thành phần của bánh mì ở đây không có gì đặc biệt, cũng ốp la, chả lụa, thịt nguội, pate, đồ chua,... nhưng thay vì cho vào trong ổ bánh mì thì tất cả được chiên vàng trên một chiếc chảo nhỏ nên luôn đảm bảo độ nóng giòn và thơm ngon cho thực khách.

Đã hơn 50 năm, bảng hiệu của quán đã phai màu thời gian, bà chủ ngày ấy giờ đã ngoài 80 tuổi, nhưng ngày qua ngày, vẫn đứng đó thái thịt, chả,... những công việc đã cũ, quen thuộc với thời gian.

Bột chiên Phùng Khắc Khoan

Chủ nhân quán vỉa hè này là một đôi vợ chồng già ngoài 60 tuổi, hai ông bà đã gắn bó với xe bột chiên suốt gần 30 năm qua. Không hàng quán, chỉ đôi ba chiếc bàn được dọn trên vỉa hè ngay góc đường Phùng Khắc Khoan – Điện Biên Phủ (quận 1), chiếc xe bột chiên cũ kỹ như chính tuổi đời của hai vợ chồng.

Cũng như bao xe hàng rong khác ở Sài Gòn, bột chiên ở đây có đầy đủ các thành phần như bột, trứng, đu đủ bào sợi và nước tương. Bột pha với một công thức riêng nên bột chiên xong có màu trắng đục, giòn bên ngoài, mềm bên trong mà không bở. Đĩa bột chiên bắt mắt, thơm phức với màu vàng của trứng, màu trắng đục của bột, bên trên là màu xanh của hành lá, màu trắng của đu đủ thái sợi. Chén nước tương làm món ăn thêm đậm đà và thơm ngon.

Trong những thực khách thường xuyên đến ăn, có rất nhiều người diện quần áo sang trọng, đi xe hơi.

Bánh cuốn Tây Hồ: 50 năm một hương vị

Người Sài Gòn cũng không lạ gì bánh cuốn Tây Hồ khá nổi tiếng ở Đinh Tiên Hoàng. Thương hiệu bánh cuốn Tây Hồ đã được thành lập từ năm 1961 do công cụ bà Trần Thị Cà  (1919 - 1996), bí quyết món ăn đã được truyền từ những công thức đặc biệt của gia đình.

Hương vị độc đáo từ món bánh cuốn truyền thống kết hợp với gia vị đặc biệt gia truyền, sẽ mang đến cho bạn cảm giác ngon miệng và khác lạ, không gian nhà hàng thoáng mát, lịch sự, cách trang trí các khu vực tầng khác nhau từ truyền thống đến hiện đại. Nếu bạn là người sành về ẩm thực hay muốn tìm một nơi để thưởng thức các món ăn mới lạ hay thư giãn thì sẽ rất phù hợp.
Tuy nhiên giá cả ở quán này khá cao so với mặt bằng chung nhưng bù lại thực đơn rất phong phú và lạ.

Phở Hòa Pasteur

Tọa lạc trên con đường nổi tiếng  ở TP.HCM, Phở Hòa Pasteur là một trong những quán phở được người dân thường tìm đến để dùng điểm tâm sáng, bữa ăn trưa và ngay cả bữa ăn tối. Phở Hòa Pasteur được hình thành từ những thập niên 60-70 của thế kỷ trước, cho đến nay là hơn 40 năm.

Khi đến đây, ngoài khung cảnh tấp nập, nườm nượp khách ra vào, chúng ta còn có thể ngửi được hương vị thơm lừng, nức mũi rất đặc trưng. Phở Hòa Pasteur mang một nét riêng độc đáo với tô nước dùng vừa trong, vừa ngọt, cái ngọt nhẹ nhàng của những ống xương được ninh kỹ kèm với gia vị cùng những sợi bánh phở cán mỏng, dai dai, những lát thịt tươi ngon và đĩa rau thơm.

Tất cả hòa quyện tạo nên một tô phở cực kỳ hấp dẫn. Có chứng kiến công đoạn nấu lên một tô phở, chúng ta mới có thể thấy được sự tỉ mỉ, tinh tế của người đầu bếp từ cách chọn nguyên liệu cho đến việc nêm nếm và trang trí món ăn.

Sự thành công của Phở Hòa Pasteur không chỉ nằm ở bí quyết riêng của món phở mà còn trong phong cách phục vụ chuyên nghiệp, nhiệt tình, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Khung cảnh bên trong được thiết kế với lối kiến trúc giản dị, những đôi đũa, chiếc muỗng, cái chén được sắp xếp ngăn nắp, hợp vệ sinh cùng không khí thoáng mát, sạch sẽ với nụ cười nở trên môi của đội ngũ nhân viên luôn đem lại cho thực khách sự an tâm, thoải mái, vui vẻ khi ghé quán.

Có lẽ sẽ không có gì ngạc nhiên nếu bạn bắt gặp hình ảnh của những thực khách quốc tế như: Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn,… đang say sưa thưởng thức tô phở nghi ngút khói tại đây vì đã từ rất lâu, Phở Hòa Pasteur dường như là địa chỉ quen thuộc của họ khi đến Việt Nam.

Mì vịt tiềm* Phan Đình Phùng

Mì vịt tiềm không thiếu ở Sài Gòn, nhưng với những thực khách sành ăn thì quán mì ở góc đường Nguyễn Trọng Tuyển – Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) là địa chỉ quen thuộc không thể bỏ qua.

Quán có tên là Huê Viên, ra đời vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Đến nay, mì vịt tiềm của quán vẫn giữ nguyên được chất lượng cũng như hương vị gia truyền, giúp quán thu hút rất đông thực khách vào mỗi buổi chiều tối. Phần thịt vịt trong bát mì được nhiều người ưa thích. Vịt sau khi làm sạch được ướp với các gia vị phụ như hạt sen, táo tàu, đinh hương, quế… thêm một ít nước tương và mật ong để có màu và thơm ngon. Sau khi thấm gia vị, vịt được chiên giòn bên ngoài rồi hầm cho chín mềm.

Bên cạnh phần vịt tiềm, bát mì cũng thơm ngon với những sợi mì tươi được làm từ trứng, màu vàng rất bắt mắt. Khi ăn, bạn cảm nhận được sợi mì mềm, dai rất ngon miệng, bên cạnh đó là những cọng cải ngọt giòn giòn tạo cảm giác không ngấy.

Xôi Tám Cẩu

Nằm ở góc đường Điện Biên Phủ và Cao Thắng. Q3. TP.HCM, có một xe bán xôi nhỏ, khách hàng là học sinh, sinh viên cán bộ công chức, người lớn tuổi tới mua.

Khách hàng nhớ xôi Tám Cẩu vì cái hương vị thơm thơm dẻo dẻo của hạt nếp, và cái béo béo mặn mặn của thịt heo,… đây chính là hương vị đặc trưng của quán xôi này.

Để có một nồi xôi khác biệt với các nơi khác đòi hỏi rất công phu, xôi ở đây vừa mềm, vừa dẻo do được nấu hai lửa, công đoạn cho nước dừa vào nồi xôi cũng phải đúng lúc nồi xôi mới thơm ngon. Ăn xôi tám cẩu mà quên món thịt heo luộc ăn cùng thì mất ngon một nửa.

Để có được những miếng thịt như vậy người nấu phải chọn được thịt nách và ba rọi còn tươi, mang về ướp muối với tỏi, sau đó luộc phải canh thời gian chính xác để vớt thịt ra. Chính vì những cách nấu công phu như vậy, đã làm cho xôi Tám Cẩu nổi tiếng khắp nơi và tồn tại cho tới ngày nay.

Quán chè 70 năm tuổi

Ra đời từ những năm 30 của thế kỷ trước, quán chè Châu Giang còn có tên gọi bình dân khác là chè "nhà đèn", địa chỉ quen thuộc của những người mê chè người Hoa.

Nằm lọt thỏm trong khu thương xá Đồng Khánh (Quận 5) ngập tràn những cửa hiệu thời trang sầm uất, quán chè ở đây cứ lặng lẽ tồn tại như thách thức những thay đổi của cuộc sống. Tuổi đời của quán đã hơn 70 năm, trải qua bốn thế hệ chủ nhưng vẫn giữ được chất lượng thơm ngon của món ăn như những ngày đầu. Thời gian mở cửa hàng ngày của quán cũng không thay đổi, vẫn là 4h chiều và kết thúc vào lúc 12h đêm, đều đặn trong suốt gần thế kỷ.

Thực đơn quán có hơn 20 món chè đặc trưng của người Hoa. Từ những món quen thuộc như: sâm nổ lượng, chè mè đen, chè trôi nước... đến các món lạ như quy linh cao, chè hạnh nhân, chè bạch quả hay hột gà trà... tất cả đều thơm ngon và bổ dưỡng.

* Quán mì vịt tiềm dạng thâm niên tại SG có khá nhiều và đều nổi tiếng, đông khách. Ví dụ như trên đoạn đường Đinh Tiên Hoàng (Q1) đến cầu Bông, mì vịt tiềm Hoàng Diệu (Q4), quận 8 thì mì vịt tiềm trên đường Tuy Lý Vương, quận 10 thì trên đường Nguyễn Tri Phương...

Du lịch, GO! tổng hợp

Đảo Trà Bản - Quảng Ninh.

Đảo Trà Bản thuộc xã Bản Sen, huyện đảo Vân Đồn - tỉnh Quảng Ninh. Đảo cách thành phố Hạ Long 45km, cách đất liền 12km. Diện tích khi triều ròng nhất 81,20km² khi triều cao nhất 68km².

< Đảo Trà Bản với đỉnh Nàng Tiên cao nhất. Trạm radar 485 trên đảo Trà Bản là nơi có đài radar đối hải cao nhất miền Bắc, nằm ở độ cao 484m.

Điểm cao nhất trên đảo hơn 480m với độ cao trung bình 20m. Tháng nóng nhất (tháng 7) 28,6²°C, tháng lạnh nhất (tháng 1) 15,1²°C. Đảo có một số thung lũng khá lớn tạo nên các hồ chứa nước tự nhiên ở phía Tây của đảo nên quanh năm có nước ngọt, đủ dùng cho dân cư tại đây.

< Đường đê trên đảo Trà Bản.

Đây là đảo lớn nhất trong hàng trăm hòn đảo trong vịnh Bái Tử Long, cách đảo Quan Lạn và cảng Vân Đồn không xa và ở vị trí tiền tiêu và che chắn cho thương cảng Vân Đồn: cảng lớn nhất Đại Việt thời nhà Trần. Tàu buôn thời ấy của người phương Bắc hay Cao Ly muốn vào Vân Đồn bắt buộc phải đi ngang qua Trà Bản. Vì đảo có đất, có nước ngọt nên từ thời ấy đã có dân cư sinh sống.


< Trường PTCS Bản Sen được xây dựng khang trang giữa đảo Trà Bản.

Thực vật trên đồi núi đất có lim xanh, trâm, trám xen kẽ tre, nứa; vùng ngập mặn có sú, vẹt. Động vật trên cạn có cầy hương, khỉ vàng, sóc, sơn dương, hoẵng, lợn rừng, rái cá... nhưng bị săn bắt nhiều nên hầu như không còn. Trên đảo có điểm quặng sắt Diềm Xá (phát hiện 1966), đá vôi, tectit (đá quý).

Trước kia, nhờ có nước ngọt quanh năm nên dân đảo ngoài cấy lúa còn phá đất trồng cam, quít, chè...

< Rừng xanh, nước cũng trong xanh...

Bây giờ thì nông nghiệp bị thu hẹp, một phần dân kiếm sống bằng nghề đi biển, nhà có vốn lập bè nuôi trồng thủy sản, một phần làm dịch vụ buôn bán nhỏ và một phần nhận khoán rừng trồng cây lấy gỗ.

Hầu hết dân trong xã đều thừa nhận hơn chục năm trở lại đây, cuộc sống của họ có thay đổi theo chiều hướng khá hơn, giao thông không còn khó khăn với con đường đất hẹp và lầy trơn vào ngày mưa như trước, thay vào đó là đường bê tông rộng rãi.

Đảo có trường tiểu học và trung học cơ sở cao hai tầng được khánh thành khiến xã có dáng dấp của một thị tứ trong đất liền. Đoạn sông nhỏ chảy từ núi xuống theo hướng Nam - Bắc được kè đá một bên, khi nước thủy triều dâng, thuyền nhỏ ra vào tạo nên khung cảnh khá hữu tình.

Miếu thờ 3 đức ông công chánh họ Phạm dưới chân núi. Xưa miếu khá to, quanh năm hương khói vì ai đi biển đánh cá hay lên rừng săn bắn đều ghé miếu thắp hương mong Ông che chở.

< Vườn rau của lính biên phòng.

Sở dĩ miếu thờ cả ba anh em họ Phạm vì thời nhà Trần, ba ông đã phò Phó tướng Trần Khánh Dư tả xung hữu đột cùng quân Đại Việt đánh chìm 500 chiến thuyền chở lương thực của viên tướng Trương Văn Hổ tiếp tế cho quân Thoát Hoan trên dòng sông Mang ở đảo Quan Lạn. Giặc tan, mỗi ông đến một đảo khai canh nên dân lập miếu thờ. Xã Bản Sen xưa cũng có đình thờ thành hoàng là Trần Khánh Dư, theo những người cao tuổi hiện sống trên đảo thì đình to và rộng nhưng do quan niệm một thời không đúng về đình chùa nên đã bị phá bỏ. Tuy nhiên Trà Bản không có chùa.

Trạm ra đa nằm trên đỉnh núi cao nhất đảo với độ cao 485 mét so với mặt nước biển. Rất nhiều phóng viên trong đoàn từng đi công tác khắp các vùng miền Tổ quốc, từ núi cao đến hải đảo ở Trung bộ và Nam bộ đều thừa nhận: con đường lên trạm ra đa này là khó khăn và vất vả nhất bởi lẽ khí hậu ở đây quanh năm ẩm ướt, nên các phiến đá lúc nào cũng trơn, sơ sảy là trượt chân ngã ngay.

< Bảo quản radar trên đỉnh núi.

Lên trạm, mới thương anh em, thương không phải họ thiếu lương thực, thực phẩm mà thương vì các chiến sĩ quanh năm sống trong ẩm ướt. Chập tối chiếc chăn còn nhẹ nhưng đến sáng thì nó nặng hơn rất nhiều vì hơi nước đọng lại, kể cả ngày nắng chiếu cũng không bao giờ khô cong, quần áo lúc nào cũng ẩm vì thế sáng ra các anh phải hong ra ngoài trời. Nếu hút thuốc lá thì được nửa điếu là hơi nước làm ướt giấy. Sống trong ẩm ướt lâu cũng quen.

Thế nhưng với khí tài thì các anh luôn bảo quản cẩn thận và lúc nào cũng hoạt động tốt 24/24h để bảo đảm rằng tất cả những điều bất thường trên hải phận thiêng liêng của Tổ quốc đều không qua được mắt các anh.

Du lịch, GO! tổng hợp

Những đứa trẻ ở vùng cao

(ĐVO) - Đông Bắc trong chuyến phượt của chúng tôi là một Đông Bắc đẹp như huyền thoại với ruộng bậc thang, núi đồi chập chùng; những cung đường đèo huyền thoại; nhưng cũng buồn đến nao lòng với ánh mắt chơ vơ của trẻ em miền núi.
Không quần áo, không đồ chơi, không lớp học, không sách vở,… và vô vàn những số 0 khác là thực trạng của các em nhỏ vùng cao Đông Bắc - Tây Bắc Việt Nam.

Đi qua vùng Đông Bắc huyền thoại

Từ Hà Nội, chúng tôi chinh phục 300km đầu tiên dọc sông Lô để đến Hà Giang. Bắt đầu từ những con đường thẳng, rồi cong cong, rồi cua quẹo. Rồi lại tiếp tục vượt đèo Pắc Sum về Quản Bạ.

Những vòng “cua” cứ không thôi lên xuống và lượn thành những đường zic-zắc đến chóng mặt. Vừa vượt qua được đèo Pắc Sum, những tay phượt nghiệp dư như chúng tôi cảm thấy “choáng ngợp” thật sự. Tuy nhiên, đây chỉ là con đèo vào loại “thường thường bậc trung”.

Chúng tôi dừng chân ngắm nhìn những ngọn núi cao, những dãy ruộng bậc thang vào mùa lúa chín đẹp đến mê người. Men theo con đường đất nhỏ leo những con dốc, hai bên là đồng lúa chín vàng. Trên con đường mòn đó, thỉnh thoảng xuất hiện vài đứa trẻ lùa trâu ra đồng. Bên sườn đèo, một cậu bé chừng 7 tuổi ngồi chơ vơ một góc cánh đồng bên đàn trâu đàn gặm cỏ. Cảnh đẹp và thanh bình nhưng cũng buồn đến nao lòng.

Ở đây hiếm khi thấy mặt trời. Nếu có nắng cũng chỉ ươm ươm để tô điểm thêm cho những ruộng lúa vàng của người dân tộc.

Chúng tôi tiếp tục vượt dốc cao Phố Cáo, về Sủng Là tham quan ngôi nhà cổ người Mông – nơi quay bộ phim Chuyện của Pao, sau đó tiếp tục len lỏi giữa những vách núi để tham quan cực Bắc Lũng Cú – bờ phên liếp dậu của Tổ quốc. Trên tháp cột cờ nhìn xuống, những vuông đồng mênh mông xanh vàng được che chở bởi những rặng núi.

Những đứa trẻ chừng 7 – 8 tuổi, người lem nhem ướt vì sương sớm. Từ sang tinh mơ các em đã lùa trâu ra đồng. Nhiều em phải bận them áo mưa để chống ướt, chống rét. Trời lạnh căm và mưa ẩm ướt, một em trai chừng 4 tuổi lại đi chân đất lấm lem. Em là đứa nhỏ nhất mà chúng tôi gặp trên đường. Con mắt ngơ ngác nhìn, khuôn mặt bầu bĩnh đỏ hồng có chút lấm lem. Ngay cả quần cũng không buồn mặc, mặc cho cái lạnh cứ ngấm dần vào da thịt.

Em hầu như không phản ứng gì với những câu hỏi của chúng tôi (có thể các em không hiểu rõ tiếng Kinh), thỉnh thoảng em cất tiếng dân tộc be bé trong miệng. Đến khi tôi bảo em giơ tay ra cho kẹo thì em nhanh chóng xòe hai bàn tay, rồi nhét vội vào túi, sau đó thì lủi thủi men theo bờ đê băng qua những cánh đồng, bỏ lại chúng tôi với khoảng trống chơi vơi.

Chúng tôi lại lên đường, vượt đèo Ma Lé. Trước mặt là những khúc cua hiểm trở, chỉ cần người lái không tập trung một chút là có thể nghe “tiếng kêu xa dần” ngay.

Sáng hôm sau, chúng tôi vượt đệ nhất đèo Mã Pì Lèng ôm trọn dòng Nho Quế để về Mèo Vạc. Thực ra, Mã Pì Lèng chỉ có 9 khúc cua, không quá hiểm trở, nhưng cái lo lắng nhất của cánh xe tải khi qua đèo này chính là những vực sâu.

Đèo Mã Pì Lèng là cung đường chạy dài 20km uốn quanh đỉnh núi Mã Pí Lèng cao 2.000m, nối liền thị xã Mèo Vạc với Đồng Văn. Đoạn đèo này nổi tiếng với những cung đường uốn lượn như con rắn vắt mình từ ngọn núi này sang ngọn núi khác.

< Chống rét bằng cách quấn nylon.

Con đường chạy qua đèo Mã Pì Lèng có tên gọi là đường Hạnh Phúc. Đi dọc con đường Hạnh Phúc là những hồ treo trữ nước để bà con đồng bào dân tộc sinh hoạt vào  mùa khô. Để làm được con đường này, đội cảm tử mở đường đã phải treo mình suốt 11 tháng trên vách núi để đục đá mở ra con đường công vụ rộng chỉ vẻn vẹn 40cm. Chính vì vậy, Mã Pì Lèng xứng với tên đệ nhất đèo không hoàn toàn vì độ hiểm trở mà vì ý nghĩa lịch sử của nó.

Nhớ nụ cười trong veo, ánh mắt buồn của trẻ thơ

Băng qua những ngọn núi hoang vu, thỉnh thoảng cũng gặp đồng bào dân tộc chạy xe máy trên đường. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là giữa ngun ngút đèo, một bên là vách núi, một bên là vực sâu nhưng vẫn thấy những em bé dân tộc Dao, Mông hay Thái gánh trên lưng khi thì củi, khi thì rau cỏ đi chiều ngược lại.

Không biết mỗi ngày các em phải đi bao xa khi thân hình nhỏ xíu của các em còn to hơn những ngôi nhà chúng tôi được nhìn thấy ở phía xa.

< Chống rét bằng áo mưa.

Cùng một lứa tuổi ấy, cùng những đôi mắt ngây thơ ấy, nhưng cuộc sống xung quanh những đứa trẻ miền núi khác xa với trẻ em đồng bằng. Đó là con đường đến trường dốc núi cheo leo, là sân chơi thênh thang của triền ruộng, con suối, là cây cỏ, khoảng trời mênh mông, là những gùi củi nặng trĩu trên vai, là những bữa cơm không đủ ấm bụng,...

Dừng chân trên đỉnh Mã Pì Lèng, đỉnh đèo là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam, chúng tôi lại bắt gặp những ánh mắt trẻ thơ đau đáu một nỗi buồn. Khi chúng tôi bắt chuyện, các em chỉ cười, rồi quơ tay như cho chúng tôi biết các em đang phải canh chừng đàn dê đang gặm cỏ ở sườn đèo. Những chiếc áo mưa được các em “trưng dụng” quấn quanh người để chống ướt, chống rét.

Trẻ em vùng cao thiếu thốn toàn diện, từ cái cơ bản nhất của cuộc sống như cơm ăn, áo mặc cho đến những cái mà bất cứ trẻ em nào cũng có quyền: đi học, vui chơi. Những mùa đông lạnh tím bầm tay chân với chiếc áo mỏng manh và đôi chân trần.

Chạy dọc cung đường này, chúng tôi lại bắt gặp những đứa trẻ đang ngồi với nhau bên đường. Gọi là ngồi với nhau vì không thể nói là chúng đang chơi với nhau được. Không có gì bên cạnh có thể gọi là đồ chơi. Quanh chúng chỉ là vài ba hòn sỏi như được đặt để sẵn từ lâu lắm, và trò chơi của chúng cũng chỉ là trò "nhìn người đi qua" như bao đứa trẻ khác.

Trước khi bắt đầu cuộc hành trình, chúng tôi mỗi người đều mang theo vài ba bịch kẹo. Có khi vừa mới thấy một hai em bé đứng chơ vơ ở lưng chừng đèo, trong lúc chúng tôi loay hoay mở túi kẹo, ngước lên đã thấy một "đội quân nhí" đổ ào từ trên triền núi xuống theo những con đường mòn rất nhỏ, mà người lạ rất khó nhận ra.

Khách du lịch miền xuôi đến với Tây Bắc thường mang theo rất nhiều kẹo, bởi như một "luật bất thành văn", họ biết rằng cho tiền đồng nghĩa với làm hư những đứa trẻ nơi đây. Đối với khách du lịch lần đầu tiên đến, họ rất thích thú khi được ghi lại những khoảnh khắc bên những em bé người dân tộc. Vì vậy như thành lệ, các em bé ở đây dường như hiểu rằng: Nhận kẹo và nhìn vào ống kính. Sau khi nhận kẹo, các em trở về chốn cũ.

Đoàn người đi qua, bỏ lại những em bé hồn nhiên ngơ ngác và mang theo những băn khoăn nằng nặng. Chúng tôi khó có thể lãng quên những ánh mắt, những nụ cười của những đứa trẻ ở đây. Chính các em đã dạy chúng tôi biết yêu thương và sẻ chia nhiều hơn.

Chứng kiến hoàn cảnh của những em bé co ro đói khát trong lạnh giá vùng cao, không ai trong chúng ta không khỏi chạnh lòng, nhất là khi những ngày Tết đang đến rất gần, khi mà người người nhà nhà quây quần ấm áp no đủ thì nơi đây các em phải cùng gia đình vật lộn với cuộc sống hàng ngày, hàng giờ.

Lạnh lắm các chú ơi!

Theo Tây Phương (Báo Đất Việt)
Du lịch, GO!

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More