Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Phố ốc ở Phù Cát

(Bình Định) - Thơm, rất thơm, thơm nức cả mũi. Ấy là mỗi khi đạp xe chầm chậm đi ngang “phố ốc” thị trấn Ngô Mây (Phù Cát, Bình Định) quê nhà. Là trong nỗi nhớ của mình ấy thôi, chứ bây giờ, mười năm có lẻ nay biết ra sao...

Ốc um phố huyện Phù Cát, một món quà vặt của tuổi học trò, món ghiền của dân nhậu và cũng là một món để thương, để nhớ trong những năm tháng dài xa quê. Ốc um nên nước ốc rất đậm đà, thơm ngon chứ không hề “nhạt như nước ốc” vì nó dành để chỉ món ốc luộc.

Và điều đặc biệt nhất là toàn bộ những con ốc ở đây, dù to, dù nhỏ, dù lớn, dù bé đều đã được bấm bỏ phần xoắn ốc cuối cùng hết trọi. Thưởng thức món ốc này không cần dùng tăm nhọn, kim băng nay nĩa nhỏ để khều mà chỉ cần đưa lên miệng, hút mạnh nghe “soạt” một cái, thế là xong! Đó cũng là lý do tại sao khu ẩm thực dân dã này được mang tên ốc hút – một thương hiệu rất “kêu”.

Khi mới ăn ốc kiểu này có thể bạn sẽ thấy lúng túng, bỡ ngỡ nhưng chỉ cần vài lượt, bạn sẽ thấy thú vị ngay! Và nếu bạn thấy tốc độ ăn của bạn chậm hơn người đồng hành, bạn có thể dùng những “vũ khí” đã chuẩn bị sẵn trên bàn để “chiến đấu” với những con ốc thơm phức kia.

Theo các cô, các chị chủ quán ở đây thì “phố ốc” ở đây hình thành những năm 1998 – 1999 và khi ấy ốc hút là một món mới. Để cắt bỏ phần đuôi ốc, người ta dùng kiềm và làm hoàn toàn thủ công. Làm sạch những món ăn dân dã như ốc đồng trước khi chế biến đã là kỳ công nhưng chiều khách bấm đuôi ốc như ở đây mới quả là cực nhọc.

Có cô còn nói nửa thật nửa đùa, nhiều khi ngồi bấm từng con ốc bé xíu mà nghĩ oán “cái con quỷ nhỏ” nghĩ ra cái trò bấm đuôi ốc này chi cho giờ khổ dữ vậy nè. “Cái con quỷ nhỏ” mọi người nói là một người phụ nữ xứ khác đến sống bằng nghề buôn bán vỉa hè. Ban đầu xào ốc um đã làm sạch phần cuối cho con, sau đem ra bán thử nghiệm cho khách. Khách ăn mê, vậy là ai muốn gia nhập kinh doanh ở phố ốc đều phải làm theo cách này.

Nhưng nếu chỉ bấm đuôi ốc thôi thì khách chỉ đến một đôi lần vì tò mò vì một cách thưởng thức lạ. Điều níu chân khách quay lại nhiều lần chính là hương thơm sực nức và vị ngon khó cưỡng của ốc.

Loại ốc cơ bản của phố này là ốc gạo, sau khi mua về ngâm một đêm, chà rửa xong mới bấm đuôi. Công đoạn này làm từng con một nên ốc chết, ốc hư được loại bỏ gần như tuyệt đối. Sau đó là luộc, rửa sạch rồi mới bắt đầu um. Nguyên liệu um ngoài xả, hành, ớt, rau ngổ còn phải có vị chua (lá dang hoặc me khô) và nước cốt dừa để tăng thêm vị béo ngậy.

Góp không nhỏ thành công cho món ốc chính là nước chấm. Này là gừng, là ớt, là tỏi, là đường, bột ngọt và nước mắm ngon với một tỷ lệ theo công thức của từng quán để làm dậy thêm từng con ốc dai, giòn sần sật. Lại nữa là rau. Món bình dân nên rau cũng rẻ tiền, dân dã: rau răm, chuối chát non, khế hay xoài ăn với ốc đều rất hợp. Và nếu bạn không còn “con nít”, bạn có thể dùng thêm vài chén rượu trắng cho ấm bụng trước khi về.

Chỉ nhớ đến đó thôi, bản đồng ca dậy mùi hương của các loại gia vị, rau thơm quê nhà của tô ốc um quê nhà như là đang phảng phất quanh đây.
Xem thêm >

Theo Ngọc Ánh (báo Bình Định)
Du lịch, GO!

Thung Nắng (Ninh Bình)

Thung Nắng - một địa danh du lịch thuộc thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Đây là một quần thể di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp, hoang sơ, hội tụ nhiều yếu tố tài nguyên du lịch như: du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, leo núi...

< Thung Nắng ở Ninh Bình.

Đường vào Thung Nắng phải đi bằng thuyền khoảng 3 km. Từ bến đò Thạch Bích (Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động), hoà mình trong không gian rộng lớn của thung lũng đầy nắng đúng như tên gọi của nó, du khách sẽ có cảm giác như được hoà mình vào vũ trụ bao la, được hưởng bầu không khí trong lành yên tĩnh.

Hai bên bờ sông là màu xanh của lau sậy. Ở những khoảng đồng trống trên đường vào thung thấp thoáng mái nhà dân yên ả, thanh bình. Giữa đường vào còn có ngôi đền Vối cổ kính, hàng trăm năm tuổi với kiến trúc đá được trạm khắc công phu, tinh tế.

Vào thung, du khách thắp hương viếng đền thờ Sơn thần và thờ Mẫu rồi leo núi ngắm cảnh, du khách như được đắm mình trong không gian rộng lớn, tràn ngập ánh nắng vàng ấm áp đúng như tên gọi của nó.

Cách Thung Nắng không xa, men theo con đường nhỏ phía bên trái chùa Bích Động hơn 1 km, du khách sẽ đến bến đò vào Thung Nham. Tuyến du lịch này đang được đầu tư xây dựng, có diện tích 34 ha, khi xong sẽ trở thành khu sinh thái tổng hợp, có các loại hình như câu cá, du lịch miệt vườn, thăm quan rừng ngập nước, vườn chim, du lịch nghỉ dưỡng …

Thung Nham còn có tên gọi khác là Thung Chim, bởi lẽ nơi đây thiên nhiên còn nguyên vẹn vẻ hoang sơ, rừng nguyên sinh, hệ động, thực vật phong phú và “đất lành chim đậu”. Cứ vào khoảng 5 giờ chiều, hàng nghìn, hàng vạn cánh chim gồm cò, vạc, hạc, đại bàng đất bay về đậu chật kín khu đất ngập nước ở trong thung, tạo thành một cảnh quan thiên nhiên muôn loài độc đáo.

Du khách đến vườn chim được du thuyền len lỏi trong khu rừng ngập nước, khám phá cuộc sống hoang dã của các loài chim, sau đó trở về bên những ngôi nhà sàn để nghỉ ngơi, thưởng thức những món ẩm thực đồng quê khó quên.

Điều đặc biệt ở nơi đây là phong cảnh hoang sơ, mộc mạc, dân dã. Ngồi thuyền đi trên dòng sông; 2 bên là đồng lúa bao la bát ngát, và những dãy núi chạy dài theo dòng sông. Với khoảng 3 km đường thuỷ đi bằng thuyền du khách sẽ được đắm mình trong cảnh giang sơn cẩm tú của tự nhiên với nhiều huyền thoại như núi Ba Dọi, Núi Cóc, núi Măng, núi Vàng…Thuyền đưa du khách qua hang Thung Nắng dài khoảng 100 m là đền Thoong Nắng. Đền được xây dựng trong một không gian tĩnh lặng, lưng Đền dựa vào thế núi linh thiêng là nơi thờ Chúa thượng ngàn.

Khi đến Ninh Bình - Thung Nắng là điểm dừng chân không thể bỏ qua của du khách. Đến đây sẽ có dịp gần gũi với cảnh quan thiên nhiên vẫn còn hoang sơ. Đường vào thung trải ra trước tầm mắt du khách với cảnh trời mây, sông nước bao la, núi non hùng vĩ, hang động xuyên thuỷ. Trên mỗi chuyến đò được tìm hiểu về cuộc sống của người nông dân vẫn mang đậm cách sống vùng đồng bằng Bắc bộ giản dị thật thà mà mến khách.

Sau khi thăm Thung Nắng xong trên đường quay ra tới bến Cây Gạo du khách tới thăm đền Vối. Đền Vối có cách đây hàng trăm năm, được xây dựng bằng đá, với các đồ thờ bằng đá được chạm khắc công phu, tỉ mỉ.

Đền Vối có từ thời nhà Lê thờ ông Lý Đông Hải là quan chấn trạch sơn lâm. Trong đền có một chiếc ngai đá rất đẹp do một gia đình địa phương ở thôn Đam Khê tiến cúng. Trước cửa đền phía trên có bức đại tự có ghi “Tối linh từ” - Đền thờ thiêng. Phía trước đền trước kia là những rừng vối với những cây vối cổ thụ. Từ đền Vối quý khách có thể đi thăm khu du lịch sinh thái Tràng An bằng đường thuỷ cách đây hơn 3km, hiện nay dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, tương lai gần sẽ tạo tour du lịch khép kín.

Mỗi ngày khu du lịch Thung Nắng đón hàng trăm khách nước ngoài chủ yếu đến từ các nước Hàn Quốc, Úc, Anh, Pháp... Những du khác này họ vô cùng ngạc nhiên và thú vị khi được tận mắt ngắm nhìn cảnh đẹp ở đây. Hai bên đường đi vẫn là cỏ lác, lau sậy, bên dưới là nước mát lạnh trong veo cùng với hệ động vật phong phú, sinh động.

Hệ động vật sinh thái ở đây vẫn giữ được nét hoang sơ như thủa ban đầu hình thành nên vùng đất này - đó chính là điều đặc biệt hấp dẫn khách du lịch. Đến Thung Nắng khách du lịch thực sự được nghỉ ngơi thư giãn và có cảm giác vô cùng thoải mái giữa một không gian yên tĩnh và dễ chịu.

Ngồi trên những chiếc thuyền thong thả ngắm nhìn và khám phá vẻ đẹp của Thung Nắng du khách sẽ được thăm một hang động đẹp của vùng ngập nước này. Nếu mùa hè đi vào trong hang bạn sẽ cảm thấy mát lạnh vì trần hang rất thấp, các nhũ đá rủ xuống với muôn hình muôn vẻ khác nhau, có những chỗ bạn phải cúi thấp đầu không sẽ chạm và nhũ đá. Hang đá nằm gọn trong một trái núi với cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, đi vào hang động bạn có cảm giác đang được khám phá những điều kỳ thú mà thiên nhiễn đã kiến tạo nên ở vùng đất này. Trước cửa hang là những bụi cây lau sậy um tùm du khách có thể neo đậu thuyền tại đây để nghỉ ngơi, chụp ảnh và ngắm nhìn cảnh đẹp của Thung Nắng.

Người dân ở đây luôn ý thức rằng nếu môi trường thiên nhiên bị phá vỡ họ sẽ có cơ hội làm du lịch chính vì vậy cả một vùng rộng lớn nơi đây vẫn giữ được nét nguyên sơ mà thiên nhiên đã hình thành từ bao đời nay. Cứ vào buổi chiều từng đàn cò trắng bay về đậu kín cả vùng đất ngập nước bạn sẽ cảm nhận không khí trong lành và tuyệt vời của Thung Nắng. Đây chắc chắn sẽ là điểm du lịch sinh thái cuối tuần lý tưởng cho du khách yêu thích thiên nhiên.
Xem thêm >

Theo My Tour
Du lịch, GO!

Chùa cổ Phước Tường - Quận 9

(PGVN) - Chùa Phước Tường là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, được Bộ Văn Hóa Thông tin công nhận cấp bằng ngày 27/7/1993 và công nhận là Di Tích kiến trúc nghệ thuật theo quyết định VH/QĐ 43 ngày 7/1/1993.

Phước Tường là một ngôi chùa cổ của TP. Hồ Chí Minh,  chùa tọa lạc ở đường 102, KP7, P. Tăng Nhơn Phú A, Q9, Tp.HCM. Chùa theo hệ phái Bắc tông. Chùa Phước Tường do thiền sư Linh Quang – Phật chiếu (1736-1788), đời thứ 35 thiền phái Lâm Tế khai sơn.

Chùa Phước Tường Được khai sơn vào năm 1741. Nhưng theo lời các bô lão thì ngôi chùa bấy giờ ở gần chợ Nhỏ (Tăng Nhơn Phú), cách địa điểm hiện nay khá xa.

Đến năm Giáp Ngọ (1834) đời Minh Mạng, trụ trì đời thứ tư là Từ Minh, dời chùa đến địa điểm hiện nay, tái thiết quy mô. Sau Thiền sư Tiên Hiền, trụ trì chùa Phước Tường là Thiền sư Minh Huệ - Thắng Phước, Như Tần – Phước Huệ, Kiểu Lượng – Tâm Thọ. Đến đầu thế kỷ thứ XX, trụ trì chùa là Thích Hóa Thông. Đại sư là một tu sĩ có khí chất của một hào kiệt, tham gia phong trào Thiên Địa Hội (1913-1916) nên bị bắt tù đầy, hy sinh.

Chùa Phước Tường do không có trụ trì bị suy sụp. Mãi đến 5, 6 năm sau, bổn đạo mới thỉnh Hòa thượng Thích Pháp Ấn về trụ trì. Hòa thượng Thích Pháp Ấn là đệ tử của Hòa thượng Minh Phương – Chơn Hương ở chùa Linh Nguyên (Đức Hòa) đã trùng tu chùa Phước Tường năm 1930.

Sau khi Hòa thượng Thích Pháp Ấn tịch, đệ tử Hồng Diệp – Bửu Ngọc kế thế ngài đã trùng tu chùa Phước Tường năm 1950, xây dựng một số công trình phụ năm 1990. Trụ trì chùa Phứơc Tường hiện nay là ĐĐ Thích Nhựt An, đệ tử Hòa thượng Thích Bửu Ngọc.

Chùa Phước Tường hiện nay nằm trên khu đất khá rộng, gần 3ha, ngôi chùa nép mình dưới nhiều cây cổ thụ rậm như một khu rừng. Từ ngoài cỗng bước vào nhìn qua bên phải là một khu đất rộng dành cho rừng cây. Giữa cảnh ấy lại điểm thêm một vài ngôi tháp, một vài ngôi mộ cổ rêu phong thì không đâu sánh bằng. Quả là sơn lâm hóa thành thị, thành thị hóa sơn lâm.

Cổng tam quan của chùa quay về hướng bắc. Trước đây chùa Phước Tường ở trên khu đất rộng không rào, không cổng. Mãi đến năm 1990, Hòa thượng Thích Bửu Ngọc mới xây một chiếc cổng hình cổ lâu hai bên có một đoạn rào ngắn, vẫn còn trống trước trống sau. Cho đến nay, chùa đã được xây lại cổng tam quan và xây rào hoàn chỉnh.

Chùa được xây dựng theo chữ L ngược, có trục chính và trục phụ. Trục chính là một tập thể qui mô. Kiến trúc bao gồm: chánh điện, tổ đường, giảng đường, sân thiên tĩnh, tăng đường. Trục phụ gồm Đông lan nằm bên trái trục chính.

Quy mô chùa Phước Tường hiện nay, tuy được trùng tu vào năm 1930, nhưng vẫn còn giữ được nét truyền thống. Chùa có 3 nóc xếp đọi theo hình chữ “khẩu” . Phía trước là tiền điện, một ngôi nhà ba gian hai chái; giữa là chánh điện, sau là giảng đường, sau rốt là nhà Giám Trai và nhà kho.

Các công trình này đều bằng gỗ quý, mái ngói âm dương, rêu phong cổ kính. Đa số các công trình này đều thiết kế theo qui mô hình nhà tứ trụ, trừ các công trình phía phía sau, không cần thiết. Trước đây, vách chùa và cữa chùa đều bằng gỗ và cữa chùa đều bằng gỗ, mái ngói âm dương nhiều lớp, nên nội điện mát mẻ. Nhưng càng về sau, theo khuynh hướng chung của xã hội, vách ván được thay thế bằng vách gạch kiên cố, gỗ được sơn son, đẹp mắt hơn trước.

Tiền điện có bố trí tượng Hộ Pháp. Tại đây có thờ Hộ pháp Di Đà (giữa), hai bên là Thiện hữu, Ác Hữu. Đại Hùng Bảo Điện tức là chánh điện rộng rãi. Bàn thờ chính thờ Tam Thế Phật (quá khứ, hiện tại, vị lai), bộ tượng bằng gỗ, thếp vàng. Cũng tại bàn thờ này còn có thờ Di Đà Tam Tôn (Di Đà, Quan Âm, Đại Thế Chí), Thích Ca thành đạo (phong cách Khmer), Tất Đạt Đa giáng thế, Di Lặc, Kim Cương, kể cả Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu.

Xung quanh chánh điện là bàn thờ Thập Điện Minh Vương, Quan Thánh Đế Quân, Phật Dược Sư, Long Vương,… Trên có tấm hoành phi khắc bốn chữ “Thôi tà phụ chính” (Đuối tà giúp chính).

Chùa Phước Tường cũng như các chùa ở Nam bộ đều bày trí theo công thức “Tiền Phật hậu Tổ”. Thế nên, phía sau bàn thờ chánh điện là bàn thờ Tổ, thờ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và 10 vị cao tăng đã trụ trì chùa. Tượng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma chùa Phước Tường bàng gỗ, đã được Việt Hóa nhân chủng. Theo các nhà nghiên cứu, pho tượng này trước kia thờ bên phải bàn thờ chính, gần đây được đưa ra phía sau, để thay thế vào đó là tượng Long Vương,… Nơi đây có bức hoành phi và những câu đối hàng trăm năm tuổi.

Trước bàn thờ Tổ sư tiền bối là bàn thờ Chuẩn Đề Vương. Hai bên là bàn thờ Thập Phương bổn đạo quá vãng, mà lúc sinh thời họ thường đến thăm chùa. Giảng đường( tức Bác Nhã đường) là ngôi nhà khá rộng. Giữa là tượng Chuẩn Đề Vương, vị Bồ Tát Mật Tông có 3 mắt, 18 tay. Phía sau là quá đường (nơi tổ chức trai tăng), hai bên là hai bộ phản, dùng làm nơi bày tiệc chay đãi chư tăng hoặc đãi khách quý. Giảng đường là nơi học tập của của chư tăng chùa.

Sau giảng đường là sân Thiên tĩnh, nơi đây giống như một cái giếng trời, ở dưới có Hòn non bộ, trên là khoảng trống giữa bốn bên mái ngói. Nơi đây nước chảy róc rách, thỉnh thoảng có vài tiếng chim kêu, giữa một không gian với những mái ngói rêu phong, lại thêm vào đó là những cặp liễn đối, bức hoành phi làm cho nơi đây đậm chất cổ kính.

Sau sân Thiên tĩnh là nhà Giám Trai. Nơi đây có bàn thờ Mẹ sanh – Mẹ Độ (bộ tượng có 7 nữ thần chính và 2 nữ thần bồng con đứng hầu). Tương truyền các vị nữ thần này rất thiêng, những gia đình hiếm muộn hoặc sinh con khó nuôi đều đến đây cầu khẩn.

Đặc biệt, tại bàn thờ Mẹ Sanh – Mẹ Độ còn thờ một bức tượng nữ thần bằng sa thạch, có từ đời Phù Nam. Bức tượng này tìm được trong khuôn viên chùa Phước Tường, đào thấy trong lòng đất, khi đốn một cây cổ thụ, cách nay khá lâu. Vị thần này búi tóc trên đỉnh đầu có trang sức, mắt lộ, môi mỏng. Đối diện bàn thờ Mẹ sanh – Mẹ độ là bàn thờ Quan Âm Thị Kính bồng con (đứng), và tượng Giám Trai sứ giả Bồ Tát. Tương truyền ông Giám Trai là một nông dân chất phát, chỉ có sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật” mà cũng không thuộc nổi. Thế nhưng với lòng chân thật, siêng năng công quả mà ông đã thành một vị hộ trì ngôi Tam Bảo.

Sau nhà giám trai là nhà bếp, công trình phụ, nhà kho. Bên tây nhà Giám Trai là Hội trường, nơi các giảng sư giảng dạy Phật học cho Phật tử. Hiện nay nhà chùa xây dựng thêm nhà Tịnh Độ đạo tràng để phục vụ cho Phật tử tu học trong các khóa tu Phật thất.

Hiện nay chùa Phước Tường có 53 pho tượng, 13 bức hoành phi, câu đối và nhiều bao lam, thần vọng, bài vị. Bao lam chùa Phước Tường chạm trong khoảng năm 1921, lấy đề tài tứ linh, chim hạc và cây tùng, chim trĩ và hoa mẫu đơn, chim phượng và hoa sen… Tượng thờ có nhiều loại. Có tượng bằng đá, bằng đất, nhiều nhất là bằng gỗ. Một số tương gỗ ở chùa tạc vào đầu thế kỷ XIX, còn nét thô phát nhưng có giá trị lớn của cổ vật niên đại hàng trăm năm. Chùa Phước Tường đặc biệt còn có nhiều câu đối văn hay, chữ đẹp, chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng rực rỡ. Có ba câu đối quán thủ hai chữ “Phước Tường”:
Xem thêm >

Theo Gs.Ts Trương Ngọc Tường (Phatgiao.org) + ảnh internet
Du lịch, GO!

Vì đi vào rừng người ta dễ yêu nhau

Mười tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành vợ thành chồng. Mười chín tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành bố, thành mẹ. Đó là câu chuyện về chuyến đi đã làm thay đổi cuộc đời tôi.

Hồi chưa biết tới rừng rú và chỉ đắm đuối trong những chuyến du lịch được sắp sẵn, tôi đã nghe ông thầy tôi, một “người rừng” sống giữa thành phố khuyên rằng: Này, đi rừng thú vị lắm. Đôi nào chỉ cần hơi thinh thích nhau là sẽ yêu nhau liền. Còn đôi nào từng yêu nhau thì sau này có xa nhau cũng chẳng thể nào quên nhau được.

Bắt đầu những chuyến đi từ hai ả đàn bà phiêu lãng. Tôi, một người luôn mang trong mình sự chán chường và não nề của nhiều cảm xúc đan xen khó tả, luôn muốn phá bung những rào cản của xã hội. Ả kia, những mối tình không níu giữ nổi bằng những chuyến khám phá. Ả đi như một con điên, đi tới mức rồ dại, tới mức nhiều khi quên chính cả bản thân mình.

Ả gặp tôi khi tôi vừa lang thang 2 tuần ở TP HCM. Hất cằm: "Đi ngược dòng sông Mã bằng đường bộ không? Có xế rồi. Ôm đã có hai “em” xếp lịch. Nhưng nếu gái thích, chị loại thẳng. Cho gái lên luôn. Xế hơi bị ngon nhé! Cao to, đẹp giai. Mới ở nước ngoài về".


Thiên nhiên hoang sơ trên đường tre Suối Muống.

Cao to ư? Đẹp trai ư? Điều đó tôi chẳng quan tâm. Những mối tình trải qua tôi đã quá mệt nhọc khiến trái tim tôi như một miếng bánh bị gián gặm nham nhở. Tôi chỉ muốn có một chuyến đi cho nhẹ lòng. Ôi làm sao cho quên sự đời! Chỉ đơn giản là thế.

Xế - người mà tôi không ngờ sẽ là chồng và cha của con gái tôi - là một chàng thanh niên cao lớn, người hơi đậm cùng chiếc răng khểnh khá duyên. Hình ảnh đầu tiên níu giữ tôi duy nhất chỉ là như thế. Chúng tôi gặp nhau trong một quán nước để thống nhất chuyện đi lại. Tôi ném phịch tờ báo xuống trước mặt gã, bảo: "Đọc báo đi". Rồi khinh khỉnh chúi mũi vào đó, mặc kệ người sắp đèo mình mặt buồn tiu nghỉu.

Xế đèo tôi có cái lưng to bản như con trâu, mặc chiếc áo màu ghi xám. Tôi ngồi đằng sau, tóc nhuộm đỏ đã phai chuyển sang màu vàng sẫm. Xe bên này: Tôi – 1983; xế 1979. Xe bên kia, ả - 1978; xế 1983. Một sự lệch pha đầy đáng tiếc.

Cung đường của chúng tôi lần này là cung đường mà mọi phe phái du lịch đều “chê”. Người nào đi du lịch thuần túy thì hẳn là chê rồi còn những dân “phượt” sành điệu cũng chẳng coi là đáng để thử thách tay lái. Cụ thể: đường Hà Nội - Hòa Bình - Mai Châu - Co Lương, rồi rẽ tại chợ, sau đó đi hết qua bản này bản kia, và điểm dừng chân là Mường Lát. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Đoạn đường rẽ từ Co Lương là đoạn vừa ngập sau cơn mưa. Chưa kịp khô, đường nhão nhoét bùn. Từng tảng bùn ngoạm vào bánh xe như muốn nuốt chửng. Vừa vào ngã rẽ, xế bất ngờ xòe ngay một vòng 180 độ. Ôm ngồi sau lưng nhanh người, nhảy phắt xuống đường, cười sảng khoái.


Những em bé dân tộc với ánh mắt không thể quên.

Những bản làng bình dị đầu tiên lướt qua và những rừng tre đầu tiên cũng hiện ra trước mắt đoàn khách hiếu kỳ. Suốt dọc con đường độc đạo đang nhỏ dần là những rừng tre bạt ngàn và bên kia sông Mã cũng một màu xanh của những cánh rừng tre. Ánh nắng sớm xuyên qua những tán tre rậm rạp, vẽ những đường ánh sáng xuống con đường đất đỏ.

Một ngày vất vả mà không được mãn nhãn. Trời mùa hè nóng như đổ lửa, mồ hôi nhễ nhại, đường đi vất vả. Bữa tối dừng tạm tại một ngôi nhà bán bánh kẹo ven đường. Rau mùng tơi, trứng rán và dưa chuột chẻ là ba món duy nhất. Nhưng vẫn thấy ngon đáo để. Lần đầu tiên, tôi được biết tới vị của hạt xẻn nướng, ớt nướng giã cùng ớt hột. Thơm hắc hắc, vị thơm đúng kiểu miền núi. Món chấm này thường được điểm thêm cùng món gà luộc hay thịt lợn nướng.

Đêm. Chúng tôi xin ngủ trọ tại một gia đình trẻ ở xã Trung Sơn. Chồng là cán bộ xã, vợ là giáo viên. Hai vợ chồng mới có một cháu nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Cuối ngày, tôi và anh bạn 83 cùng tuổi ngồi tán phét ngoài hiên nhà. Xế tôi cùng ả kia nói chuyện cùng chủ nhà. Đối với tôi, ngày đầu tiên trải qua bình thường không có gì đặc biệt. Giữa tôi và xế vẫn có một khoảng cách trắng xóa.

Nhưng sang ngày thứ hai, chúng tôi đã bắt được nhau những tín hiệu đáng kể. Xế tôi tuy lần đầu tiên đi “phượt”, nhưng rất tháo vát và chịu khó, tay lái cũng đằm. Tôi ngồi sau xế sướng hơn ả kia ở chỗ, nhiều đoạn khó xế vẫn trụ vững được trên yên. Còn xế 83 kia ngã xòe, khiến ả hơi tẹo phải nhảy phóc xuống đất, đỡ, ẩn, ủn đít xe. Tôi bắt đầu luyên thuyên nói chuyện. Từ đó biết được không nhiều thì ít về anh chàng này: Đó là một người nhiệt tình, chân thành, cởi mở, có nhiều sở thích những cũng có một quá khứ nhiều khúc khủyu. Tôi gọi đùa xế là “Nghé”. Giữa chúng tôi đã có một sự gắn kết ngầm. Qua con suối rửa mặt, tôi lấy khăn màu xanh vắt ướt sũng, sau đó đặt lên cổ xế để chữa nóng.


Đường đẹp thế, đến xe còn yêu nhau.

Vượt lên đỉnh con dốc cao, thiên nhiên hùng vĩ khiến bạn có cảm giác đang chạm tay tới mây. Đoạn đường men chân núi có bề ngang chừng ba mươi cm là nguy hiểm nhất. Dưới chân cát trượt. Chúng tôi chơi vơi giữa một bên là núi, một bên vực thẳm sâu, dòng sông Mã đỏ ngầu chảy cuồn cuộn phía dưới. Mồ hôi bám rịn nhỏ giọt trên từng khuôn mặt vì căng thẳng và vì cái nắng gay gắt của buổi trưa hè. Những ánh mắt đầy ngạc nhiên khi thấy đoàn xe chúng tôi chạy qua. Những em bé dân tộc với ánh mắt quyến rũ của con thú hoang dại. Những con người này chẳng biết gì tới internet, ít khi bị làm phiền bởi tivi, ít bị những triết lý quấy nhiễu tâm hồn và sống một cách thanh bình đến tẻ nhạt tại nơi này.

Nhưng sự vất vả cũng đã được hưởng thành quả. Chúng tôi đã gặp được cái khiến chúng tôi phải lặn lội tới tận nơi này. Đó là một đoạn đường tre cong vòng một cách hết sức tự nhiên. Những thân tre mảnh mai đan vào nhau kéo dài hàng trăm mét tạo thành một chiếu nghỉ thiên nhiên tuyệt mỹ. Nhìn từ xa, vòm tre như đôi mắt nhấp nhánh cười, hút sâu. Phía dưới, lá tre khô bay xào xạc như trong phim “Thập diện mai phục” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Ánh nắng mùa hè gắt gỏng len chen qua rặng tre, hắt vào mặt, vào xe chúng tôi tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục giữa tiết trời oi ả. Chúng tôi thả xe nhảy ùa vào giữa con đường tre, ngồi bệt trên thảm lá tre nghỉ ngơi.

Cuối ngày, chúng tôi dừng chân ở huyện Mường Lát với cơ thể mệt bã. Sau bữa ăn no nê và tắm táp sạch sẽ, bốn người chúng tôi đi bộ ngắm trăng trên cầu treo Mường Lát. Hôm ấy trăng mười sáu thì phải, to và rạng rỡ hơn hẳn trăng rằm. Tôi dựa người vào thành cầu, để toàn bộ cơ thể và tâm hồn mình ngập trong trăng. Cơ thể tôi như mất trọng lượng, chơi vơi giữa trăng và làn hơi nước mát dịu. Bỗng dưng…có một luồng điện chớp qua tôi. Hình như có một bàn tay hơi chạm vào bàn tay mình…


Mười tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành vợ thành chồng.

Thiên nhiên quả là người thầy vĩ đại. Người thầy dạy ta biết cách tự vấn chính mình. Trong suốt chuyến đi, không một lần tôi nhớ tới công việc, không một lần tôi nhớ tới sự phiền muộn cố hữu. Bất giác, tôi nếm được vị ngọt của rừng. Tôi nhìn thấy tôi. Một tâm hồn đơn sơ và hoang dại. Một con người mưu cầu những hạnh phúc bình dị và giản đơn.

Chuyến đi đó sau này được nhóm chúng tôi đặt tên là Đường tre Suối Muống. Nhiều dân “phượt” trên mạng thấy ảnh đẹp quá cũng đi cung này, nhưng hình như chẳng có đôi nào yêu nhau, cũng chẳng có bức ảnh nào nhiều nắng đẹp dường ấy.

Mười tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành vợ thành chồng.

Mười chín tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành bố, thành mẹ.

Giờ đây, những chuyến đi trôi ngược về phía tôi, lẩn sâu trong quá khứ. Thi thoảng trong giấc mơ, những dãy núi bạt ngàn xanh thẳm, những chiếc lưng còng đang gò mình địu ngô của người dân tộc, những con bò, con dê lững thững đi trên triền núi như những nhà hiền triết hiện lên trong giấc mơ của tôi. Chẳng biết tự bao giờ, tôi đã bị núi rừng “bỏ bùa mê mất rồi”. Chồng tôi có lẽ cũng như vậy.

Còn bạn. Bạn đã sẵn sàng đi rừng chưa?

Mitchit

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Lang thang Sàigòn (Phần 2)

(Tiếp theo) - Thủ Thiêm là một bán đảo nằm ở bờ Tây sông Sàigòn, đối diện khu trung tâm quận 1 sầm uất đầy dẫy nhà chọc trời.

< Từ khu công viên đầu hầm, mình theo lối rẽ trái vào đường ven sông mang tên Cây Bàng, thật mộc mạc.

Vùng đất Thủ Thiêm nằm chung trong môi trường sinh thái của khu vực Sài Gòn và Đông Nam bộ với hai mùa mưa nắng cùng khí hậu nóng ẩm trong năm. Dù nằm kế trung tâm thành phố, chỉ cách một dòng sông, nhưng sông nước thiên nhiên của Thủ Thiêm còn khá hoang sơ.

< Từ cua quẹo vào tầm 50m thì gặp miếu Cô, còn gọi là miễu bà Thiên Hậu. Khi người tứ xứ vào khai phá Thủ Thiêm, họ đã dựng lên đình, miễu. Miễu (theo nhà nghiên cứu Sơn Nam là do chữ miếu nói trại ra) - miễu Thiên Hậu ở phường Thủ Thiêm có từ thời ấy. Năm 1945 Nhật qua giật sập miễu này. Năm 1956, ông Lương Văn Châu (vị thủ từ đã mất) đứng ra kêu gọi bà con đóng góp dựng cái miễu trên nền cũ. Gần đấy còn có miếu Cây Me đã có hàng trăm năm tuổi, đang thờ các Mẫu, Ngũ vị nương nương và Phật bà Quan Âm...

< Chỉ dừng thoáng qua bấm tấm ảnh miễu rồi lại đi. Nghe nói miễu từng có lúc bị kẻ xấu phá sạch lấy sắt, vậy nhưng hiện giờ trông rất khang trang.
Vị trí miễu tại đây >

Dòng Sông Sài Gòn chảy qua vùng đất Thủ Thiêm bắt nguồn từ lưu vực hồ Dầu Tiếng đến ngã ba sông Đồng Nai có tổng chiều dài khoảng 107 km qua tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và TP.HCM. Sông Sài Gòn có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trên lưu vực: tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển thủy, du lịch sông nước…

< Ngày trước, ven đường này là nhà dân. Bây giờ đã giải tỏa hết để quy hoạch lại Thủ Thiêm, dân chuyển vào khu tái định cư An Lợi Đông. Còn ở đây thành bãi bụi um tùm chờ ngày thay da đổi thịt.

Dòng sông Sài Gòn uốn khúc quanh Thủ Thiêm, cùng với những kênh rạch, con sông đã tạo cho vùng đất một cuộc sống gắn liền với sông nước. Cũng chính dòng sông này chuyên chở những con người và văn hóa từ vùng đồng bằng sông Cửu Long về đây, tiếp biến với cư dân tại chỗ trong cảnh quần cư, hình thành nên cộng đồng làng xã, nếp sống sông nước mang đậm âm hưởng Nam Bộ.

< Mé phải là sông Sàigòn với đầy những cụm cảng bên kia bờ, lúc nào cũng hoạt động tấp nập.

< Gặp cây cầu nhỏ có tên 'Cầu phao số 5', trên đó có vài thanh niên đang câu cá.

Rồi bắt đầu từ năm 2000, đề án phát triển Thủ Thiêm được công bố với kỳ vọng biến bán đảo này thành khu đô thị hiện đại nhất Việt Nam vào thế kỷ 21. Thủ Thiêm sẽ là nơi không chỉ giảm tải cho trung tâm 930 ha mà thực sự sẽ là một nơi thực hiện các chức năng mà trung tâm cũ không làm được, như là trung tâm tài chính, dịch vụ lớn của Đông Nam Á, là nơi hiện diện của các cao ốc văn phòng cao 40 - 50 tầng...

< Qua cầu nhỏ, ngoái nhìn ngược về con đường đã đi. Khúc này vẫn còn thấy tòa nhà Bitexco hình cánh sen sừng sửng.

< Chạy thêm một đoạn, chợt nhìn thấy tấm bảng đỏ ghi: 'Chú ý! Khu vực vắng người, dễ xẩy ra cướp tài sản, trộm xe máy. Đề nghị mọi người cảnh giác'. Dưới cùng là số điện thoại của CA phường An Lợi Đông với số đẹp: 08.35038590.
Ớn chưa? Vậy nhưng trộm cướp thấy mình còn ớn bội phần, ta cứ đi thôi!

< Đường vẫn vắng teo, chiều tà thoang thoảng mùi cỏ và cây bụi, gió mát lạnh. Bên kia sông tìm không ra món này đâu!

Khi kế hoạch được tiến hành, Thủ Thiêm đã không còn là bán đảo bị cô lập mà được liên thông bởi cầu Thủ Thiêm 1, hầm chui qua sông Sài Gòn, những hạng mục quan trọng được tiến hành như trục đường xuyên tâm, việc đền bù giải tỏa về cơ bản đã hoàn thành, đất sạch đã sẵn sàng. Có lẽ nếu không có cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ 2008 thì chắc hẳn nơi đây không dễ kiếm miếng đất cắm dùi.

< ... Tìm không ra, chỉ vì đơn giản bên kia là các cảng của quận 4: cảng Sàigòn tấp nập. Mà bao giờ các cảng mới dời đi hết nhỉ?

< Xưa kia mé phải là bờ kè, mé trái có nhà. Giờ đây nhìn kỹ lắm họa chăng thấy lại... cái nền cũ giữa cỏ cây um tùm.

< Gặp tiếp cây cầu nhỏ khác: Cầu phao số 11. Tên cầu ở đây lấy theo các phao neo tàu dưới sông.

< Bầu trời xanh ngắt, bên kia là cảng Khánh Hội - Q4.

Dù bức tranh toàn cảnh về bán đảo Thủ Thiêm nay đã khác xưa nhưng những chứng tích lịch sử đã in đậm về một Thủ Thiêm của quá khứ vẫn còn lưu giữ ở thế hệ ngày nay. Những tên gọi quen thuộc như Bến Đò, Cá Trê, Cây Bàng, đồn Giác Ngư, cầu Ông Cậy, xóm Than…, là những sự kiện, dấu tích lịch sử từ lâu đã khắc sâu trong trí nhớ, tình cảm của người dân vùng đất Thủ Thiêm qua nhiều thế hệ.

< Rồi mình chạy qua một cơ quan gì đó. À không, đó là xí nghiệp Đông lạnh Thủy sản 6. Vắng người cũng do nghỉ lễ (hôm ấy là 1.9).

< Nhà nguyện Thánh Tâm, đường không bóng người.

Ở Thủ Thiêm nhiều địa danh được đặt theo tên gọi dân gian rất chất phác, hay theo tên gọi những vật hiện hữu trong tự nhiên, hoặc mượn tên của một công trình kiến trúc gần đó như xóm Đình, xóm Chùa. Những địa danh, tên đường đặt theo tên người anh hùng, danh nhân chỉ mới xuất hiện sau này…

< Mình lại đến cây cầu nhỏ thứ 3 có tên là 'Cầu phao số 13' vì nó nằm ngay phao neo cũng mang con số xúi quẩy ni.
< Dưới cầu, hướng đất liền là con rạch nhỏ với nước lẵng lặng chảy.

Tên gọi Thủ Thiêm đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII. Tên gọi này được giải thích như sau: Thủ là đồn canh dưới thời phong kiến và cũng là chức vụ để chỉ người đứng đầu một tổ chức, một đơn vị hành chính nào đó,  giống như thủ lĩnh, thủ thư, thủ tướng...

< 'Tặc tử' mình đây: nhìn cái áo khoác vàng, nhớ mấy chuyến phượt đầu tiên.

... Chính quyền thời ấy đã cho lập đồn binh ở Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn và để phòng thủ cho khu vực trung tâm. Có thể do người chỉ huy đồn binh tên là Thiêm nên dân gian quen gọi đồn binh đó là Thủ Thiêm và sau đó tên này trở thành tên của vùng đất.
< Bên kia sông, ở khu vực này đã là quận 7.

< Kéo zoom gần thêm thấy cầu Tân Thuận 1, cũng là cây cầu gần nhà.

Một địa danh quen thuộc, đã có tên tuổi, cùng với lịch sử hình thành vùng đất này, trước tiên phải kể đó là Bến đò Thủ Thiêm. Bến đò là địa điểm tiếp nhận đầu tiên của cư dân vùng đất này. Tại đây con người bắt đầu xây dựng, tổ chức cuộc sống của mình bằng nghề chài lưới, buôn bán trên sông...

< Qua cầu một đỗi ngắn sẽ đến bến đò ngày xưa. Bây giờ chả biết có còn hay không nhưng vài mươi năm trước: nơi này xuất phát những chuyến đò qua lại nối liền Thủ Thiêm và quận 7 (gần cầu Tân Thuận 1).
Chạy thêm trăm mét nữa là gặp cua quẹo 90° dẫn vào con đường theo ảnh bên: đây là đoạn nối dài của đường Trần Não.

< Từ chỗ này vẫn nhìn thấy tòa nhà Bitexco Financial Tower và Saigon One Tower đang xây dựng.

< UBND phường An Lợi Đông nằm trơ trọi: khu tái định cư và tạm cư nằm cách đây 700m, tít trong kia.

... Dần dần về sau bằng sức mạnh của cộng đồng làng xã, họ đặt chân đến những vùng đất liền để khai hoang, định cư và sinh sống, tạo dựng nên một cộng đồng dân cư như Thủ Thiêm ngày nay.
< Sắp qua cây cầu, dân địa phương gọi là cầu Cá Trê nhỏ - Trùng với cây cầu lớn hơn trên đường Mai Chí Thọ ngoài kia. Thủ Thiêm đúng là miệt sông nước: ba bốn mươi năm trước, có lẽ 'cầu tre lắt lẻo' không thiếu tại đây.
Vị trí cầu >

< Trong tương lai, nếu Thủ Thiêm phát triển tốt như kế hoạch ở trên thì đây sẽ trở thành đường dẫn lên cầu Thủ Thiêm 5 nối liền quận 7, thông ra đường Lưu Trọng Lư (đường vào cảng kho 18).

< Con rạch phía dưới cầu thông ra sông Sàigòn, theo hướng Tây bán đảo Thủ Thiêm.

< Mé trái đường là cỏ bò và rừng dừa nước, cây bụi um tùm.

Cá Trê là một tên gọi được dùng để chỉ cho nhiều địa danh. Đó là các con rạch Cá Trê Lớn, Cá Trê nhỏ và đó cũng là tên một đồn binh được lập vào thế kỷ XVIII. Đồn Cá Trê có là tên chữ Hán là Giác Ngư, còn sách sử triều Nguyễn gọi là Tả Định, nằm trong hệ thống phòng thủ của Gia Định vào thời kỳ giao tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn (1782). Đối diện với đồn Cá Trê bên kia sông là đồn Hữu Bình, còn gọi là Thảo Câu.

< Chạy thêm một đoạn nữa sẽ đến giao lộ: Đại lộ Mai Chí Thọ cắt ngang.

Từ phà Thủ Thiêm đi dọc theo bờ sông về phía Nam, theo đường Cây Bàng chúng ta đi qua nhiều cầu bắc qua các con rạch là cầu Ông Cậy, cầu phao số 5, cầu phao số 11, cầu phao số 13. Mỗi địa danh ấy đều có xuất xứ từ những đặc điểm của địa hình.

< Mình rẽ trái, trở vào đường Mai Chí Thọ, qua cầu Kênh 2. Khi chạy đến giao lộ có đường dẫn đến cầu Thủ Thiêm thì thấy được điều đặc sắc trên trời...

< Hàng trăm con diều bay phất phới tít trên cao, hướng đường Trần Văn Khê đi cầu Thủ Thiêm, vậy là rẽ vào ngắm. Vị trí chỗ này tại đây >

Tên gọi Cây Bàng là vì trên đường dọc theo bờ sông này là những hàng cây bàng, vốn là loại rất gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của những người nơi đây. Vào những buổi trưa người dân thường mắc võng dưới những tán bàng đầy bóng mát để nghỉ ngơi hay ngồi nhâm nhi cà phê hay một ít rượu đế...
< Không chỉ trẻ con thả diều, ở đây đa phần lại là người lớn, các thanh niên cả nam lẫn nữ, vui thích thiệt nha!
Đông diều và đông cả người, các xe bán nước ngọt chai, kem... cũng ăn theo. Đồng diều sẽ tồn tại đến khi nào 'hết đất' chứ người mê diều khó 'hết hứng'.

< Ngắm thỏa thuê một hồi rồi bọn mình lại đi: chạy thêm một đoạn đến giao l Lương Định Của thì mình quẹo trái, lối này dẫn qua vài chùa như Từ Phong, Liên Trì... và đình An Khánh. Đây cũng là con đường chạy thẳng ra bến Phà Thủ Thiêm cũ, nay thì hiu quạnh lắm.
Cận bến phà gặp lại đường Cây Bàng nhánh phải của hầm sông Sàigòn, từ đây nhìn qua bờ đối diện là quận 1 với khu trung tâm tráng lệ. Bao giờ phía này như phía kia? Từ từ rồi cũng sẽ tới thôi. Vị trí ở đây >

Lúc này đã quá 18h, cũng không còn đủ ánh sáng để chụp đẹp. Bấy giờ cũng là giờ 'măm' buổi chiều nên bọn mình chạy về Giồng Ông Tố, đoạn đường Nguyễn Duy Trinh có nhiều quán nhỏ, ngon nhưng giá rất mềm.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More