Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Séo Mý Tỷ, hồ nước nhân tạo cao nhất VN

Ngoài những danh thắng nổi tiếng, Sa Pa còn một địa điểm thú vị là hồ nước nhân tạo Séo Mý Tỷ cao nhất Việt Nam, bên sườn dãy Hoàng Liên Sơn.

< Vẻ đẹp huyền ảo của Hồ Séo Mý Tỷ với những ngọn núi trùng điệp xung quanh. Nước hồ quanh năm trong vắt, mây mù bao phủ. Xa xa là đỉnh núi cao nhất Đông Dương - Fansipan.

Séo Mý Tỷ là thôn nhỏ trên núi thuộc xã Tả Van với diện tích 150 ha, trong đó là 60 ha mặt nước gồm đập thủy điện Séo Trung Hồ, nơi đây được xem như là vùng điều hòa khí hậu đặc trưng nhất của Sa Pa. Toàn thôn có trên 80 hộ dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, đến nay, nhiều phong tục, tập quán truyền thống của người Mông vẫn được gìn giữ.

< Vì nằm ở vùng lõi của vườn quốc gia Hoàng Liên, đường đi rất khó khăn và hiểm trở. Người dân địa phương thường gọi là “đường khoai tây” bởi đá mặt đường rất giống khoai tây.
Dulichgo
Hồ Séo Mý Tỷ nằm cách thị trấn Sa Pa khoảng 20 km, trên địa phận xã Tả Van. Hồ được tạo thành từ việc ngăn đập xây dựng thủy điện Séo Mý Tỷ.

< Hồ Séo Mý Tỷ nhìn từ trên cao giống một dải lụa bên sườn dãy Hoàng Liên Sơn - dãy núi cao nhất, hùng vĩ nhất Việt Nam.

Từ trung tâm thị trấn Sa Pa, theo lối đường Fansipan dẫn xuống khu du lịch Tả Van - Lao Chải - Bãi Đá Cổ, muốn đến được Séo Mý Tỷ trước hết bạn phải vượt qua 7 km chạy dọc thung lũng suối Mường Hoa.

< Về mùa khô, dòng sông cấp nước cho hồ chỉ là một dòng suối nhỏ và biến thành một bãi đá lớn hùng vĩ và độc đáo.
Dulichgo
Chặng đường khó khăn nhất của hành trình chính là 12 km leo dốc để lên trung tâm thôn Séo Mý Tỷ. Được người dân bản địa đánh giá khó như "lên trời" với độ dốc đến 20%, nền đường đất lổn ngổn đá tảng, đá hộc, đây là một thử thách rất lớn với bất cứ một tay lái nào. Bạn hãy chuẩn bị xe thật tốt nếu muốn khám phá Séo Mý Tỷ.

< Những gò hoa dại khoe sắc ven đường.

Nằm trên độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển, Séo Mý Tỷ là vùng đất rất thuận lợi cho các loại hoa dại quanh năm khoe sắc. Sẽ may mắn cho bạn nếu đi đúng vào thời điểm hoa mua tím dại mọc kín lối lên hồ trong thời điểm Tây Bắc vào thu.

Hồ Séo Mý Tỷ nhìn từ trên cao giống một dải lụa bên sườn dãy Hoàng Liên Sơn - dãy núi cao nhất, hùng vĩ nhất Việt Nam. Đây cũng được coi là hồ nước nhân tạo cao nhất cả nước.

Từ trên cao đổ xuống thung lũng, hồ Séo Mý Tỷ hiện lên với vẻ đẹp hoang dã, cảnh quan tựa như những hồ nước - thung lũng đặc trưng của cao nguyên Đà Lạt hoặc ở châu Âu.

Cao độ của hồ Séo Mý Tỷ đo được theo máy GPS là 1.677m so với mực nước biển. Đây là hồ nhân tạo cao nhất Việt Nam, thuộc top những hồ nước cao nhất Đông Dương.
Dulichgo
Bạn có thể thuê thuyền đi hồ ngắm cảnh. Vẻ đẹp huyền ảo của núi non, hồ nước cùng không khí trong lành mát mẻ sẽ làm bạn nhớ đến dãy Alps nổi tiếng ở châu Âu. Xung quanh hồ có nhiều bản làng của người H’mong, với những thửa ruộng bậc thang đặc trưng của Sa Pa.

< Người dân địa phương nuôi cá hồi.

Những căn nhà với bờ tường bằng đá rất đẹp và thanh bình. Về mùa xuân, hoa đào, hoa mận nở rực rỡ một góc hồ. Vì có khí hậu mát mẻ, trong lành, lòng hồ được người dân địa phương tận dụng nuôi cá hồi - loài cá của vùng ôn đới.

< Xung quanh hồ có nhiều bản làng của người H’mong, với những thửa ruộng bậc thang đặc trưng của Sa Pa.
Dulichgo
Nếu bạn đến Séo Mý Tỷ, hãy bảo vệ môi trường và phòng chống cháy rừng bởi nơi đây từng ghi nhận một nhóm phượt khi đốt lửa trại, gây cháy cho cả một khu vực rộng lớn thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Dù đường xá đi lại còn nhiều khó khăn nhưng Séo Mý Tỷ đang được tỉnh Lào Cai đặc biệt chú trọng quan tâm với mục đích quy hoạch thành khu du lịch sinh thái dựa trên những nguồn lực tự nhiên sẵn có.

Dự kiến trong thời gian tới, các công ty lữ hành sẽ tiến hành khảo sát tour, phát triển thành bản du lịch cộng đồng, các dự án khách sạn, nhà hàng trên mặt nước sẽ được đầu tư sau năm 2020. Hiện, huyện Sa Pa đang ưu tiên đầu tư hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, chợ trung tâm và  tập huấn cho người dân nơi đây nâng cao kiến thức tiếp cận với sự phát triển du lịch. Ngoài ra, huyện khuyến khích bà con phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của người Mông… để thu hút du khách, tăng thêm thu nhập.

Một bản làng thanh bình với mây, múi, nước, con người, trong tương lai không xa, Séo Mý Tỷ sẽ là bức tranh thu nhỏ của hình ảnh du lịch Sa Pa.

Du lịch, GO! tổng hợp từ Zing New, Vnexpress, báo Lào Cai...

Món ngon Đồng Bảng: Cá trắm hấp lá đu đủ

(TTO) - Có một món ăn được xếp vào hàng đặc sản mà không phải khách vãng lai nào cũng biết, nhất là khi lại không được rỉ tai: cá hấp lá đu đủ, một món ăn để nhớ của Đồng Bảng, Mai Châu, Sơn La.

Lần nào trở về nhà sau một chuyến đi dài trên quốc lộ 6, hướng ngược từ Sơn La về Mộc Châu, Mai Châu vào bữa tối, dù chính bữa, sớm hơn hay muộn hơn cả giờ chúng tôi cũng dừng lại tại xã Đồng Bảng, Mai Châu, Hòa Bình, cách ngã ba Bãi Sang chừng vài kilômet.
Quán quen cửa mà lần nào ăn xong về cũng quên tên, nằm hơi khuất vì đúng đoạn cua nên xe hay đi quá một đoạn mới giật mình vòng lại. Bữa cơm tối thường dọn vội nhưng nóng hổi, với mấy món cơ bản như cá suối chiên, tôm rang, canh măng chua, ngồng cải luộc và món đặc sản không thể thiếu: cá trắm hấp lá đu đủ.

Món cá hấp lá đu đủ nghe tên đã thấy lạ vì lá đu đủ nghe có vẻ liên quan đến một vị thuốc hơn là thứ rau cỏ để nấu ăn. Hơn thế, hình thức thoạt nhìn thì không hấp dẫn, hay thậm chí có vẻ gây nghi ngờ cho thực khách rằng có chắc món này dễ ăn và ăn ngon không.

Quán sẽ mang nguyên một “chiếc bánh hấp” trông như bánh chưng, có điều không vuông sắc cạnh, cũng không xanh rền mướt mải mà úa sẫm, ướt rượt như láng mỡ. Bóc lớp lá gói ngoài ra, màu sắc bên trong trông còn “giật mình” hơn. Lá đu đủ được xắt miếng ngắn độ 4-5cm ngấm hơi nước nóng vì hấp đến cả giờ trên bếp củi có màu tối sẫm và cũng ướt rượt như lớp vỏ bánh nhưng vẫn chưa thấy miếng cá hấp.

Xét về mặt thẩm mỹ thì lớp vỏ đu đủ được hấp chín này có vẻ không... đạt yêu cầu về hình thức. Nhưng khi lấy một đôi đũa nhẹ nhàng tách lớp vỏ lá đu đủ không đẹp mắt lắm sang hai bên thì khúc cá dày thịt, trắng tinh xuất hiện trong hơi nóng vẫn còn bốc lên nghi ngút.
Dulichgo
Mùi cá hấp ngầy ngậy, ngai ngái xộc vào mũi kích thích khiến ai cũng trở nên tò mò. Gỡ một miếng thịt cá và dém thêm mẩu lá đu đủ nhỏ đưa lên miệng, mới chạm vào đầu lưỡi thôi thì nước miếng đã ứa ra. Và rồi một vị ngọt đắng tỏa lan trong vòm họng trước khi tràn xuống dạ dày.

Mấy người bạn đồng hành lần đầu ăn món cá hấp lá đu đủ gật gù: lạ miệng và hấp dẫn ghê, mà xem ra lại có lợi cho sức khỏe. Trước khi âu cơm được mang lên thì món cá hấp đã bị cả nhóm “ăn vã” hết. Tôi vào bếp để nghiên cứu gọi thêm “chiếc bánh cá” thứ hai. Đập vào mắt tôi là một khay “bánh cá” xếp như người ta vẫn hay xếp bánh chưng sau khi vớt dù không vuông vắn.

Trong lúc khách liên tục vào bếp để gọi món cá hấp đu đủ này thì tôi tranh thủ tìm hiểu. Chủ quán, một thanh niên còn khá trẻ, vừa luôn tay dọn đồ làm thức ăn cho khách, vừa chậm rãi trả lời câu hỏi của một vị khách tò mò.

Anh cho biết để làm món cá hấp này, cá được chọn sẽ phải là cá trắm, loại lớn cỡ từ 2 - 3kg trở lên thì thịt mới ngon và ngọt, làm sạch và pha thành từng miếng vừa để gói giống như chiếc bánh chưng nhỏ. Cá sẽ được tẩm ướp và nhồi vào bụng một hỗn hợp nguyên liệu băm nhỏ gồm gừng, sả, ớt, hành, tiêu, lá đu đủ non và để khoảng 2 giờ cho ngấm.
Dulichgo
Sau đó dùng lá đu đủ đã được cắt khúc thành từng đoạn ngắn hai đốt tay bọc xung quanh, gói vào trong lá chuối xếp vào nồi hấp chín, làm nóng lại mỗi khi dọn đồ ăn lên cho khách. Cái đặc biệt nhất của món cá hấp đu đủ chính là vị đăng đắng của lá đu đủ non ngấm vào với thịt cá ngọt lịm, cùng với chút gia vị cay cay của ớt rừng, tiêu rừng tạo thành một món ăn lạ miệng và hấp dẫn.

Bản thân lá đu đủ trong dân gian cũng được biết đến là một vị thuốc có lợi cho sức khỏe, nên việc kết hợp món cá trắm hấp cùng lá đu đủ non sẽ tạo ra một món ăn có lợi cho sức khỏe và quá ngon để thực khách mỗi lần qua Đồng Bảng, Mai Châu lại phải gọi món này để “ăn chơi”.

Theo Thủy OCG (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer

Tết Chôl Chnăm Thmây mang ý nghĩa là đón mừng năm mới, mừng thêm một tuổi, tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt, với hy vọng năm mới đến sẽ đem lại những điều may mắn. Ngoài ra, Tết Chôl Chnăm Thmây còn có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước trời dồi dào để chuẩn bị cho vụ mùa tới.

Tết được diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch (tháng 3 âm lịch), không cố định ngày, hàng năm đều do các nhà thiên văn bói toán ấn định, tính theo vòng quay trái đất quanh mặt trời trong một năm sẽ định ra được ngày, giờ cụ thể trong năm đó.

Đi đến những khu vực có đông đồng bào Khmer sinh sống trong nhưng ngày tết, chúng ta sẽ bắt gặp không khí náo nhiệt của bà con chuẩn bị Tết cổ truyền của mình. Nào là chuẩn bị ăn mặc gọn đẹp, nhang, đèn, gạo, rượu, thịt, làm bánh… để phục vụ cho việc ăn uống, đãi khách và dâng cho nhà chùa. Mọi người sửa sang bàn thờPhật, trang hoàng nhà cửa, quét dọn sân nhà, kết cổng chào…
Dulichgo
Trong đêm giao thừa, trên bàn thờ có bày sẵn 5 nhánh hoa, 5 đèn cầy, 5 cây nhang, 5 hạt cốm và nhiều loại trái cây. Cha mẹ, ông bà tập hợp con cháu lại , ngồi xếp chân về một phía trước bàn thờ tổ tiên, đốt nhang đèn, vái ba cái để tiễn đưa Têvêđa cũ và rước Têvêđa mới, mong được ban phúc lành. Họ tin rằng Têvêđa là ông tiên được trời sai xuống chăm sóc dân chúng trong thời gian.

Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra trong ba ngày. Ngày thứ nhất gọi là Thngay Chôl Chnăm Thmây (ngày vào năm mới) (lễ rước “Mâh Sangkran mới”). Lễ này có thể tổ chức sớm hay muộn trong ngày, miễn là chọn đúng giờ tốt, theo quan niệm của người Khơme. Mọi người được tắm gội, mặc quần áo đẹp, mang nhang đèn, lễ vật đến chùa dâng lên các vị sư và được nghe các vị chúc tụng năm mới. Dưới sự điều hành của ông Acha, mọi người xếp hàng đi vòng quanh chính điện 3 lần để làm lễ chào mừng năm mới. Đêm lại, nghe các vị sưtụng kinh cầu an năm mới, cầu cho “Quốc thái dân an” và hưởng được 4 pháp của đức Phật (sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh), rồi được nghe các vị thuyết pháp về ý nghĩa của lễ Chôl Chnăm Thmây và sau đó thanh niên nam nữ cùng nhau múa hát trước sân chùa.

Ngày thứ hai gọi là Thngay Von-boch: mỗi gia đình làm lễ dâng cơm buổi sớm và buổi trưa cho các vị sư sãi. Theo đạo Phật Tiểu thừa, thì các ngày lễ tín đồ đi chùa lạy Phật có bổn phận mang cơm và thức ăn dâng cho sư sãi và lắng nghe các vị chúc tụng, cầu an, thuyết pháp giảng đạo, rồi các thanh niên nam nữ vui chơi trước sân chùa.
Dulichgo
Buổi chiều, người ta làm lễ “đắp núi cát” (Puôn phnôm khsach) ngay tại khuôn viên chùa, để mong gặp được điều lành. Tập tục này cũng bắt nguồn từ một sự tích của một thợ săn bắn gắn với ma thuật cầu mùa của người xưa.

Ngày thứ ba gọi là Thngay Lơn-săk (ngày thêm tuổi), mới chính là ngày chánh cũng là ngày cuối tết, tương tự như hai ngày đầu, sau khi đã dâng cơm sáng cho các vị sư ở chùa, người ta làm lễ tắm tượng Phật bằng nước có ướp hương thơm, rồi sau đó tắm cho các vị sư cao niên ở chùa, nhằm rửa sạch hết cái cũ, những bụi bặm của trần thế trong năm cũ, để bước sang năm mới với một thân thể sạch sẽ và hoàn toàn mới. Tiếp theo đó là lễ cầu siêu (Băng Skôl), các vị sư được mời đến tháp lưu giữ hài cốt của những người quá cố để cầu kinh, mong vong linh của họ sớm được siêu thoát.

Đến trưa, mọi người về nhà để làm lễ tắm tượng Phật thờ trong từng gia đình, để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đức Phật, rồi chúc mừng cha mẹ, ông bà, dâng bánh trái để tạ ơn, đồng thời cũng để rửa những điều không may của năm cũ để sang năm mới vạn sự như ý. Tết Chôl Chnăm Thmây được kết thúc.
Dulichgo
Trong ba ngày hội Chôl Chnăm Thmây, bà con Khmer còn đi thăm hỏi, mừng tuổi năm mới cho nhau, chúc nhau sức khỏe, cuộc sống yên vui, phát đạt. Tối đến, người ta đốt pháo thăng thiên, thả diều, đánh quay lửa... Các cụ già kể chuyện thần thoại, cổ tích cho con cháu. Gái, trai tham gia các cuộc hát đối đáp aday, hát dùkê, múa rômvông.

Theo Lehoi.Cinet
Du lịch, GO!

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Đồi cát Bay ở Quảng Bình

(VN+) - Mỗi dịp Tết đến, xuân về là “đồi cát di động” nằm giữa hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (tỉnh Quảng Binh) lại nhộn nhịp du khách. Họ về đây không chỉ để xem bãi cát khổng lồ được ví như "sa mạc" hay tìm hiểu lịch sử biến hóa của thiên nhiên, mà còn để ghi lại những tấm hình đẹp, đầy chất lãng mạn ở vùng cát bay.

Thiên Đường của gió và cát

Những ngày cuối năm, khi cái Tết đang rộn ràng nơi nơi, đồi cát di động lại rôm rả tiếng khách. Cả bãi cát rộng tới hàng trăm hécta cấu thành những cồn cát mịn màng, đẹp như chốn "thiên đường." Gọi là “đồi cát bay” vì hình dáng của đồi cát nơi đây thay đổi theo giờ, theo ngày, theo tháng và điều kiện thời tiết (tùy thuộc vào ngày nắng, ngày mưa), nên không có hình dáng nhất định.

Theo anh Tư (tên người lái xe cho đoàn phóng viên), đồi cát bay ở đây là một điểm tham quan đẹp nằm ở ven biển của tỉnh Quảng Bình. Và, cũng chính bởi dáng đẹp của những cồn cát trơn mịn xen lẫn màu sắc óng vàng đã và đang ngày thu hút đông hơn các bạn trẻ.
Dulichgo
"Thấm thoắt trôi đi, những vạt cát ngày ấy nay đã trở thành đồi cát cao ngút ngàn và rộng dài tới cả cây số. Cát được bồi cao trở thành dải núi vàng, đẹp ngỡ ngàng, che khuất ngồi làng nhỏ với hàng trăm ngư dân sinh sống ven biển," anh Tư chia sẻ.

Cũng theo lời kể của anh Tư, do đồi cát nằm ở ven biển nên cảnh sắc rất đẹp. Cứ mỗi sáng bình minh, hay mỗi chiều hoàng hôn xuống, đồi cát lại được pha trộn thêm những màu sắc rực rỡ.

Thú vị hơn, "đến với đồi cát bay, du khách có thể lê la ở bất cứ ngọn đồi nào tùy thích, rồi tận hưởng cảm giác đi trong ‘bão cát.’ Cùng với đó, khách đến đây sẽ tha hồ thưởng ngoạn vẻ đẹp đến ngỡ ngàng của đồi cát bay hướng mình ra biển lớn," anh Tư kể với giọng tự hào.

Say lòng du khách

Theo lời anh Tư, đồi cát ở đây có gần chục màu với trăm hình, trăm dáng khác nhau. Chính những hạt cát đa sắc, đa màu nơi đây đã từng làm say lòng các nghệ nhân tranh cát khi miệt mài tìm kiếm nguyên liệu để tạo ra những bức tranh cát nhiều màu sắc độc đáo.
Dulichgo
Sở dĩ những đồi cát có trăm hình, trăm dáng là do gió bào mòn và thổi bay lớp cát mỏng manh ở phía trên. Ngoài ra, việc xâm thực của cát và rạng bờ biển cũng dẫn tới hiện tượng sa mạc hóa trên diện rộng. Chính vì thế, du khách thường bắt gặp những khoảnh khắc đẹp đến say lòng.

Ngoài hình dáng đẹp, theo anh Tư thì màu sắc của cát cũng là điểm thu hút khá nhiều du khách, với trên chục màu sắc khác nhau. Những cồn cát này cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhiếp ảnh gia, họa sĩ, thi sĩ và là khởi nguồn cho môn nghệ thuật mới, độc đáo tranh cát.

Là nữ phóng viên thường từng lăn lộn khắp nơi trên các nẻo đường công tác, chị Hà Nhung đến từ Thành phố Hồ Chí Minh bảo, theo nghề báo nên chị được đi rất nhiều nơi, nhưng ít có nơi nào để lại trong tâm trí chị nhiều dấu ấn như vùng cát bay ở xứ Quảng.

Bằng kinh nghiệm nghiên cứu trong ngành, chị Nhung chia sẻ: Hiện tượng xâm thực của cát và rạng bờ biển thường gây nhiều khó khăn cho dân cư, đặc biệt là hiện tượng cát bay, cát chảy làm bồi lấp nhà cửa, ruộng vườn.
Dulichgo
Tuy vậy, việc xâm thực của cát và bào mòn bởi gió cũng đã tạo cho đồi cát vô số hình thù kỳ thú. Mỗi khi có gió thổi qua, những vân cát liên tục thay đổi khiến diện mạo đồi cát trở nên mới nguyên, không còn giữ lại bất cứ dấu vết nào của hình dáng trước.

“Nhờ đó, những cồn cát mênh mông với nhan nhản đường cong uốn lượn gợi cảm không chỉ gợi cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho nhiều nhà nhiếp ảnh, mà còn rất hấp dẫn du khách, đặc biệt là người viết báo như mình,” chị Nhung chia sẻ.

Theo chị Nhung, thời điểm thích hợp nhất để du khách tham quan đồi cát tình yêu là từ 5 đến 8 giờ sáng vì lúc này trời còn sớm và cát vẫn còn mát. Đứng giữa “thiên đường” của gió và cát, phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ vô cùng ngạc nhiên bởi vẻ đẹp kỳ thú của những đồi cát trùng điệp mênh mông nối nhau xa tít tắp.
Dulichgo
Nhường không gian cho những vị khách mới, chúng tôi rời đồi cát bay ở xứ Quảng trong tiết trời se sắt. Dưới ánh nắng nhạt nhòa của buổi chiều hoàng hôn, tiếng nô đùa của những đôi trai gái, những đoàn người vẫn ồn ã khắp vùng cát bay.

Theo Lê Sơn (Vietnam+)
Du lịch, GO!

Trượt cát ở Quảng Bình

Đất lành của "hậu duệ Lão Tôn"

(QBĐT) - Quảng Bình may mắn được thiên nhiên ban tặng những dãy núi đá vôi hùng vĩ với vương quốc hang động tuyệt đẹp, cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài khỉ quý hiếm, độc đáo. Nếu ai có dịp đến với VQG Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) sẽ có cơ hội ngắm nhìn những chú khỉ vàng, đàn voọc gáy trắng, khỉ đuôi lợn… chuyền cành, trốn tìm tinh nghịch trên những ngọn cây. Ở đây thực sự là “Hoa quả sơn” của họ nhà khỉ với 7 loài được ghi nhận.

Hành trình khám phá

Đến VQG PN-KB, ta như lạc vào những cảnh quan, hang động tuyệt đẹp, những loài thú lạ mắt; trĩ, công múa khúc giao duyên trong tiếng “nhạc hòa tấu” của đàn chim líu lo, thánh thót. Những tán lá sum suê xanh mát, những giò phong lan muôn sắc tỏa hương và đàn bướm chập chờn bên suối...

Đặc biệt, mọi người sẽ được tận mắt chứng kiến những đàn vượn, khỉ nhảy nhót, chuyền cành rộn ràng. Cũng bởi thế, các nhà khoa học coi nơi đây như là cái nôi của các loài thú linh trưởng ở Việt Nam và đánh giá là một trong 238 vùng sinh thái quan trọng nhất toàn cầu.

Thú linh trưởng đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của VQG PN-KB kể từ khi được thành lập, nhất là họ nhà khỉ với voọc gáy trắng, voọc đen tuyền là loài đặc hữu của Đông Dương; chà vá chân nâu ở mức độ nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam; bên cạnh đó là khỉ cộc, khỉ vàng, khỉ đuôi lợn, khỉ mốc. Ông Lê Thúc Định, Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, VQG PN-KB cho biết, voọc gáy trắng là loài chỉ thị, biểu trưng về đa dạng sinh học của VQG PN-KB. Theo các số liệu thống kê cho thấy loài này có phân bố rất hẹp, chủ yếu ở Quảng Bình, một phần nhỏ ở Hà Tĩnh và Lào. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn phân bố tập trung ở VQG PN-KB khoảng 2.000 cá thể và một số ít khoảng 115 cá thể ở xã Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa).Dulichgo

Không khỏi tò mò về sự tồn tại của loài linh trưởng này, chúng tôi đã theo chân các cán bộ Kiểm lâm tỉnh lên Thạch Hóa tìm hiểu. Ông Nguyễn Văn Hồng, một người dân có kinh nghiệm cho biết, thời gian dễ thấy sự xuất hiện của voọc là sáng sớm, đầu giờ chiều hay chiều muộn, chúng thường tìm những nơi râm mát để trú ẩn, tránh ánh nắng... Vì thế, để có thể quan sát được voọc phải đến điểm quan sát từ sáng sớm. Sau một hồi tìm kiếm, chúng tôi phát hiện sự xuất hiện của voọc gáy trắng tại điểm quan sát Trung đoàn 18.

Theo quan sát, chúng tôi thấy voọc gáy trắng có bộ lông dày, sợi lông dài, mềm và đen, bụng đen xám, vùng háng màu trắng bẩn; đầu có mào đen, má có 2 vạch trắng nhỏ đi từ gốc mép qua phía trên vành tai ra hai bên gáy; đuôi dài, thon đều, lông rậm màu đen. Ông Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chia sẻ: “Quần thể voọc ở đây sống thành từng đàn ở những vị trí khác nhau, ngoài địa điểm Trung đoàn 18, còn 7 điểm khác ở xã Thạch Hóa và 2 địa điểm ở xã Đồng Hóa. Số lượng cá thể và cấu trúc tuổi trong mỗi quần thể thể hiện sức tăng trưởng của quần thể rất tốt. Mỗi quần thể thường thấy có 1 con đực đầu đàn, 2 con mẹ đang sinh sản, 2-3 con non và 5-7 con bán trưởng thành, nhiều con rất thân thiện”.

Không chỉ phát triển tốt ở Thạch Hóa, ẩn mình bên trong “Hoa quả sơn” PN-KB, loài voọc gáy trắng xuất hiện nhiều và dày đặc. Chúng kiếm ăn hòa thuận với vượn đen má trắng Siki trên các tầng cao của loài sung rừng có tán cây khổng lồ và cao chót vót hàng trăm mét. Những tán lá thấp hơn là lãnh thổ kiếm ăn của khỉ cộc và khỉ đuôi lợn... Theo quan sát của các nhóm nghiên cứu VQG PN-KB, khỉ cộc xuất hiện ở khu vực Hung Dạng, Hung Lau, Thung Tre và U Bò. Khỉ vàng được bắt gặp ở khu vực U Bò, Hung Dạng và Vườn Thực vật thuộc phân khu dịch vụ hành chính. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của chà vá chân nâu tại khu vực U Bò, Hung Dạng, Hung Lau; khỉ đuôi lợn ở khe Con Khái thuộc khu vực Chà Nòi...
Dulichgo
Chung tay bảo vệ “Hoa quả sơn”

Hiện nay môi trường sống của họ nhà khỉ ngày càng bị thu hẹp do nhiều nguyên nhân khác nhau như: săn bắt, bẫy bắt, xâm lấn sinh cảnh... Tất cả những yếu tố trên là nguy cơ ảnh hưởng đến việc bảo tồn loài khỉ. Trước những nguy cơ xâm hại của loài thú này, ông Lê Thúc Định, Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, VQG PN-KB khẳng định: “Thú linh trưởng nói chung và họ nhà khỉ nói riêng là đối tượng được ưu tiên bảo vệ cao ở VQG PN-KB. Thời gian qua, BQL VQG PN-KB đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều chiến lược, phương án bảo tồn, phát triển loài thú quan trọng này”.

Cụ thể, BQL VQG PN-KB đã tích cực phối hợp với các sở, ngành có liên quan, chính quyền địa phương vùng lân cận tổ chức các đợt tuyên truyền để người dân biết tầm quan trọng, tính nguy cấp và các chế tài xử lý liên quan đến việc bảo vệ loài linh trưởng nằm trong Sách đỏ. Bên cạnh đó, vận động người dân tham gia bảo vệ các loài thú họ khỉ; phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ rừng, bảo vệ loài khỉ, kiên quyết ngăn chặn, nghiêm cấm và xử lý mọi hành vi săn, bắt, bẫy đối với động vật hoang dã nói chung và loài khỉ nói riêng.

Đặc biệt, có một thực trạng phải quan tâm là một số cá thể linh trưởng bị đánh bắt có thể được cứu thoát và thả lại tự nhiên nhưng cơ hội sống sót và phát triển thành bầy không cao. Giải quyết vấn đề này, Hội động vật Frank furt đã đưa ra dự án tái hòa nhập hai loài linh trưởng voọc gáy trắng và chà vá chân nâu trở về môi trường tự nhiên nhằm nâng cao khả năng hòa nhập với đồng loại và môi trường tự nhiên, góp phần bảo tồn Khu hệ thú linh trưởng PN-KB. Sau hơn hai năm hoạt động với sự hợp tác khoa học giữa Hội động vật Frank furt và VQG PN-KB, một khu nuôi thả linh trưởng bán hoang dã rộng 20ha đã được xây dựng và bảo vệ bằng hàng rào điện.

Khu bán hoang dã này là môi trường thuận lợi cho việc huấn luyện loài khỉ và các loài thú linh trưởng khác để chúng lấy lại những tập tính và bản năng tự nhiên vốn có của mình trước khi trở về thiên nhiên hoang dã. Ngày 4-9-2007, một đàn voọc gáy trắng đầu tiên gồm 8 cá thể thuộc thế hệ F2 được Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Cúc Phương và Chương trình bảo tồn thú linh trưởng Cúc Phương chuyển giao cho VQG PN-KN để tiến hành nuôi thả tại đây. Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG PN-KB từ khi thành lập đến nay cũng đã cứu hộ trên 152 lượt cá thể các loài linh trưởng, trong đó chủ yếu là các loài thuộc nhóm khỉ, một số khác thuộc nhóm cu li, vượn, chà vá chân nâu.
Dulichgo
Đối với quần thể voọc gáy trắng ở Thạch Hóa, ông Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, sở đã đưa ra đề xuất quy hoạch thành khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc Thạch Hóa. Theo đó, nếu có thể hình thành khu bảo tồn, quần thể voọc ở đây sẽ bảo đảm được bảo vệ nghiêm ngặt nhờ việc tuyên truyền, thành lập các tổ tuần tra giám sát, bảo vệ. Các hoạt động nghiên cứu khoa học cũng sẽ được tiến hành để đưa ra kế hoạch, giải pháp bảo tồn phù hợp; mở rộng và bổ sung nguồn thức ăn cho các quần thể voọc trong tương lai. Ngoài ra, sẽ kêu gọi nguồn kinh phí đầu tư từ các tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm đến công tác bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái và nâng cao sinh kế cộng đồng...

Theo Lê Mai- Văn Minh (Báo Quảng Bình)
Du lịch, GO!

Xôi chiên trứng nửa đêm Đồng Hới

Nhắc đến Đồng Hới, Quảng Bình, người ta vẫn hay truyền tai nhau về những món ăn đặc sản như bánh xèo làm từ gạo lức, khoai dẻo, cháo canh, lẩu cá khoai hay ruốc tháng 6, chưa thấy ai giới thiệu món đặc sản nghe tên khá dân dã, và dường như nổi tiếng hơn ở vùng khác: Xôi chiên. Ấy vậy mà ấn tượng về một món ăn chỉ dân địa phương mới kháo nhau mới hay ho làm sao.

Bây giờ nhớ Đồng Hới, tôi không thèm bánh xèo, khoai dẻo, cháo canh hay lẩu cá, mà cứ mong ngóng một ngày trở lại chỉ để nhâm nhi món xôi chiên giòn rụm, thơm lừng lúc nửa đêm.

Chúng tôi chạy một mạch từ Hà Nội vào Quảng Bình, về đến khách sạn đã sắp nửa đêm. Bạn giục tắm giặt thay đồ ù lên, có đồng bọn người thổ địa hẹn dắt đi ăn đêm, có món xôi chiên ăn “quên sầu”. Vội vội vàng vàng leo lên xe, chạy ngoắt nghéo quanh phố vắng, loáng cái đã thấy dừng lại trước một cửa quán cũng đầy xe. Tấp nập người vào ra.
Dulichgo
Đã vào bàn yên vị một lúc mà vẫn thấy mấy cô bé, cậu bé giúp việc bận túi bụi, làm liên tay không có cả đủ thời gian trả lời khách. Thực khách chủ yếu là nam thanh nữ tú đi chơi về khuya rẽ vào ăn đêm.

Xem trên thực đơn thấy khá nhiều món, chủ yếu là liên quan đến gà, lòng mề, tràng trứng gà. Nhưng có một món ăn thấy ghi đặc sản trên "menu" và đã được bạn vốn là dân thổ địa đất Đồng Hới xác nhận: Xôi chiên.

Tôi tò mò đi loanh gian bếp nấu, mấy cô gái đứng bếp đang chọn gà để làm phở, mỗi bát hẳn một cái tỏi cắt lên tận mạn sườn, cỡ ¼ con gà chứ chả đùa. Cô khác thì đứng cạnh bếp nấu, mồ hôi lấm tấm, đang liên tay xào lòng mề tràng trứng với hành tây, tỏi tây.

Một rá xôi đặt trên bếp lò, hơi nóng nghì ngụt, vàng ruộm nơi góc tường. Tôi lại gần ngắm chiếc rá khá điệu đàng như hình một mảnh trăng lưỡi liềm, dùng thìa xới một mẩu xôi nhỏ đưa lên miệng. Nếp dẻo và thơm, không thấy hương liệu gì đặc biệt, nhưng không hiểu bằng cách nào mà rá xôi vàng ruộm.
Dulichgo
Câu hỏi “có phải dùng nghệ làm màu vàng không” của tôi rơi vào khoảng thinh không, bởi mấy người đứng bếp đang vội vã chuẩn bị đồ cho thực khách đang kéo đến ngoài vỉa hè đông đúc, và một số người dừng xe mua đồ ăn mang về đã phải ngậm ngùi rời đi khi người bán trả lời: hết hàng.

Trong lúc chờ đĩa xôi chiên đặc sản mang ra thì chị bạn tôi, một người sành ăn và với cái thú ngao du sơn thủy cũng như vốn kiến thức về ẩm thực mọi miền đất nước đủ để khiến mấy đứa trẻ chúng tôi mắt tròn mắt dẹt đã nhanh nhảu giải thích.

Chị bảo, xôi chiên ở đây làm khác nhiều nơi khác, dùng trứng đánh bông rải đều trên mặt xôi, khi chiên, lớp trứng ấy được dàn đều và chín mềm bởi hơi nóng bám vào xôi, quyện thành một "tổng thể" không tách rời, rắc thêm ít ruốc thịt là có thể bày lên đĩa.
Dulichgo
Tả vừa dứt thì đĩa xôi chiên trứng được mang ra. Thoạt nhìn giống một miếng bánh vàng ruộm khiến cả bọn vốn đã có một ngày trời chạy ròng rã từ Bắc vào Trung phải nuốt nước miếng đánh ực. Tấm xôi dàn mỏng rộng vừa bằng lòng chảo, trên phủ trứng và ruốc nên dễ thưởng thức và không tạo cảm giác ngấy bởi sự kết hợp giữa nếp và dầu mỡ đã được làm dịu đi với lớp trứng xốp.

Dùng tay xắn một miếng như bẻ bánh, lớp xôi dưới được chiên giòn, lớp phía trên vẫn mềm dẻo và ngầy ngậy bởi có lớp trứng phủ, lại thêm tý vị đậm đà của ruốc thịt hòa quyện vào nhau với đủ chất, đủ hương vị. Ngon không thể tả.

Cả bàn nhón tay mỗi người một miếng nhỏ thưởng thức, trong khi bạn tôi hối hả giục nhà bếp chiên thêm đĩa nữa để chồng lên đĩa xôi chiên vừa mang ra đã trống trơn. Ai cũng gật gù: Ngon thật.
Chỉ thế thôi, mà món xôi chiên trứng Đồng Hới nửa đêm của tôi đã trở thành một thứ “ăn để nhớ” mỗi khi nghĩ về vùng đất ấy.

Theo Thuỷ OCG (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Những nẻo đường Tây Nguyên

“Muốn biết thế nào là hùng vĩ, hãy đến núi rừng Tây Bắc. Muốn biết thế nào là mênh mông, hãy về đại ngàn Tây Nguyên”.

< Nông dân hái chè trên cao nguyên Bảo Lộc.

Câu nói quá đỗi quen thuộc của những người ưa sự dịch chuyển đã diễn tả được đặc điểm của vùng Tây Nguyên đầy nắng và gió, những cánh đồng thảo nguyên bạt ngàn, những dãy đồi chập chùng vô tận, những vườn trà, cà phê kéo dài hun hút tầm mắt. Vùng đất của sự bao la bát ngát này chắc chắn sẽ làm say lòng biết bao lữ khách đam mê khám phá.

< Thác Đămbri mượt mà như lụa.
Dulichgo
Một ngày đẹp trời, tôi tạm gác bỏ những bộn bề công việc, lấy xe máy và cho phép bản thân mình rong chơi lêu lổng vài ngày, tạm thoát khỏi những khói bụi mịt mù và đầy ắp tiếng ồn. Tôi hướng xe về cao nguyên Bảo Lộc, để nhìn lại những đồi chè trùng điệp, để trở lại thác Đămbri sau nhiều năm xa cách.

< Khung cảnh như tranh bên thác Đămbri.

Vẫn như xưa, người nông dân vẫn đang miệt mài vun xới cho những cánh đồng chè mênh mông. Đămbri vẫn mạnh mẽ và hùng dũng như ngày đầu tôi đến, vẫn những bậc thang đã rêu phong theo dấu thời gian, vẫn ngọn thác ầm ầm đổ xuống một cách mãnh liệt. Hôm nay Đămbri khá tĩnh lặng, không ồn ào tiếng nói cười của du khách. Tôi nép mình lang thang quanh thác ngắm nghía chụp ảnh, rồi vu vơ tận hưởng một buổi chiều thật trong lành, mờ ảo trong sương khói bàng bạc của thác.

< Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên.

Đà Lạt đã trở nên quá quen thuộc, thế nên tôi chỉ tranh thủ ăn sáng và tiếp tục lên đường chứ không ở lại như mọi khi, hướng ra quốc lộ 27, thẳng đường lên Buôn Mê Thuột. Một cung đường vắng và đẹp như mơ. Tôi lao xe vun vút, băng qua những cung đường đèo uốn lượn nối tiếp nhau liên tục, những thung lũng bạt ngàn xanh đã hiện ra trong tầm mắt, những ngôi nhà nhỏ lấp ló đơn độc trên thảo nguyên bao la. Giữa đất trời lồng lộng, tôi thấy mình nhỏ bé hơn bao giờ hết, như một hạt cát mãi lăn trên sa mạc, cố gắng tìm hiểu những điều kì diệu của cả thế giới rộng lớn này.

< Hồ Lak hiền hòa.
Dulichgo
Trên đường đi tôi ghé vào tham quan hồ Lak, hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ 2 ở Việt Nam sau hồ Ba Bể. Đây còn là khu vực sinh sống của người M’Nong, tập trung ở buôn Jun và buôn M’Liêng. Dù đã được qui hoạch để phát triển du lịch, khách du lịch trong và ngoài nước đến khá nhiều, thế nhưng đồng bào người dân tộc ở đây vẫn còn giữ nguyên được bản chất hiền hòa, chất phác của mình. Cuộc sống còn khó khăn, nhưng qua cách nói chuyện tâm tình, tôi có thể nhìn thấy trong ánh mắt ấy một tia sáng hi vọng hướng về tương lai.

< Du khách cưỡi voi.

Đến Buôn Mê Thuột trong đêm, tôi chỉ đi loanh quanh chứ không khám phá gì nhiều, vì đã đến đây vài lần nên tôi cũng khá quen thuộc. Lời khuyên dành cho bạn khi đến Buôn Mê Thuột: đừng bỏ qua những địa điểm tham quan như nhà đày Buôn Mê Thuột, bảo tàng các dân tộc Việt Nam, làng cà phê Trung Nguyên, xa hơn thì có thác Dray Nu, Dray Sap, thác Gia Long, hang dơi..

< Ngất ngây với khung cảnh đẹp như mơ trên đường đến Kon Tum.

Từ Buôn Mê Thuột, theo con đường Hồ Chí Minh huyền thoại – quốc lộ 14B, thẳng hướng về Kontum, lúc này tôi bắt đầu cảm nhận được ý nghĩa của câu nói “hạnh phúc là một hành trình, không phải là đích đến”. Thật sự là vậy, tôi đang đi trên một cung đường của hoa cỏ và bướm, hoa dại nở khắp lối đi, bướm bay khắp nơi ven đường, khí hậu trong lành mát mẻ. Không kiềm được cảm xúc, tôi đã dừng xe và chiêm ngưỡng hình ảnh tuyệt vời này. Cố gắng đưa máy ảnh lên để ghi lại những khoảnh khắc này, nhưng cái hồn của bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ ấy, tôi vẫn không làm cách nào để đưa vào một bức ảnh được.

< Con đường ngập tràn hoa dại.
Dulichgo
Trên đường, tôi ghé vào tham quan thủy điện Yaly, một trong những công trình thủy điện được thiết kế và xây dựng hoàn toàn bởi các kỹ sư Việt Nam. Ngang qua thành phố trên cao Pleiku, tôi ghé vào hồ T’Nưng, một trong những hồ nước ngọt đẹp nhất Tây Nguyên. Khi gió to thường có sóng lớn nên nơi này còn được gọi là Biển Hồ.

< Biển Hồ hiện lên thơ mộng trong những hạt nắng rơi rớt của buổi chiều muộn.

Tôi tới đây vào lúc mặt trời chuẩn bị xuống núi, rơi rớt lại những hạt nắng cuối cùng, trong ánh chiều vàng vọt ấy, Biển Hồ hiện lên thật đẹp và thơ mộng. Những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa gặt trổ những bông lúa vàng óng, lác đác một vài ngư dân thả lưới trên hồ, xa xa là đàn trẻ em đang giăng câu tìm chút niềm vui cuối ngày. Thật khó tìm đâu một cảnh tượng yên ả và bình yên hơn thế, nơi chỉ cách không xa thành phố Pleiku chưa đầy 10 km.

< Nhà thờ gỗ được làm thủ công, nay là nhà thờ chánh tòa Kontum.

Tới Kontum, tôi ghé thăm nhà thờ gỗ, một nhà thờ khá cổ được xây vào năm 1913 theo kiến trúc Roman kết hợp với lối kiến trúc nhà sàn của người Bana, được xây dựng thủ công và hoàn toàn bằng gỗ, hiện nay được dùng làm nhà thờ chánh tòa Kontum. Một công trình kiến trúc rất đẹp nhờ vào sự kết hợp hài hòa của kiến trúc phương Tây và nét văn hóa Tây Nguyên.
Dulichgo
Từ Kontum lên thị trấn Plei Kần là một đoạn đường dài, thời tiết ở đây khá oi. Nhưng sở dĩ tôi phải đến nơi này vì muốn chinh phục một địa điểm mà dân du lịch bụi rất khao khát, đó là cột mốc biên giới ở ngã ba Đông Dương đặt tại cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Đây là cột mốc chung của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Sau khi làm thủ tục và xin phép biên phòng, tôi được các anh hướng dẫn đường lên cột mốc.

Cột mốc nằm trên một ngọn núi, chung quanh là những ngọn đồi trọc cứ nằm chồng lên nhau liên tiếp không thấy điểm dừng, tưởng chừng như kéo dài đến vô tận. Những gốc cây trơ trọi nằm chơ vơ khắp nơi, hoang vu nhưng đầy ấn tượng.

< Cột mốc chung của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Đứng cạnh cột mốc, lặng người đi trước cảnh tượng này, với một cảm xúc mà tôi chỉ có thể hét lên thật lớn, vang dội cả không gian, để cả ba nước cùng nghe thấy, cùng cảm nhận được tình yêu mãnh liệt của tôi với vùng đất này.

Trên đường đi, hình ảnh các đồng bào dân tộc miền núi đang lang thang trên những cánh đồng, những con đường rừng giờ đã trở nên quen thuộc với tôi. Không khác gì so với đồng bào dân tộc ở vùng Tây Bắc, cuộc sống của họ vẫn còn vất vả và cơ cực, hi vọng rồi một ngày nào đó, với sự quan tâm thiết thực hơn từ phía chính quyền, đời sống kinh tế vật chất cũng như tinh thần của họ sẽ được cải thiện ít nhiều.

Những cung đường Tây Nguyên đã để lại trong tôi thật nhiều cảm xúc. Những vùng đất tôi qua, những con người đã gặp, đều ghi dấu trong tôi một ấn tượng tốt đẹp về sự hiền hòa mộc mạc của vùng đất cao nguyên này. Tôi đã có những ngày lang thang cùng gió và nắng thật tuyệt trong đời, nhất định sẽ còn quay lại. Tây Nguyên ơi, tôi hứa!

Theo Emdep.vn
Du lịch, GO!

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More